Hai gã khổng lồ công nghệ thông tin (CNTT) Hàn Quốc - Naver và Kakao hiện đang cạnh tranh gay gắt để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp. Cả hai hy vọng các startup với tiềm năng lớn sẽ giúp họ duy trì doanh thu trong bối cảnh thị trường CNTT dần bão hòa.
Chỉ trong năm nay, Naver thông qua công ty con Naver D2SF đã đầu tư vào 20 công ty khởi nghiệp. Trong khi đó con số với Kakao là 15 công ty và đang tiếp tục tăng cho đến cuối năm 2021.
Số tiền mà Naver và Kakao đổ vào các startup vẫn chưa được tiết lộ cụ thể. Tuy nhiên theo Korea Times, số tiền có thể đạt từ hàng trăm triệu won đến hàng tỷ won cho mỗi công ty. Mặc dù nguồn vốn không phải là quá lớn, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn rất hoan nghênh các nhà đầu tư chiến lược như Naver và Kakao. Nguyên nhân chính bởi tin tức đầu tư từ các ông lớn như vậy thường dễ lôi kéo nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ khác tham gia.
Các lĩnh vực chủ chốt mà Naver và Kakao đầu tư cho đến nay bao gồm: công nghệ blockchain, trí tuệ nhân tạo, y tế kỹ thuật số và robot.
Cũng có trường hợp Naver và Kakao cùng đổ vốn chung vào một công ty khởi nghiệp, tiêu biểu như: công ty thương mại điện tử AR Reconlabs, công ty sức khỏe kỹ thuật số Emocog, nền tảng thông tin AI Ssum và công ty phân phối robot Floatic.
Các nhà quan sát trong ngành nhận định việc hai tập đoàn CNTT hàng đầu đồng thời cạnh tranh đầu tư vào một doanh nghiệp là điều chưa từng có. Cả Naver và Kakao đều đặt mục tiêu tìm kiếm các startup có tiềm năng tăng trưởng cao và sau đó tiến hành sáp nhập nếu tình hình kinh doanh khả quan.
"Các tập đoàn CNTT thường đầu tư vào các công ty khởi nghiệp từ rất sớm và một khi công ty bắt đầu thành công, họ mua lại startup hoặc mua thêm cổ phần để giành quyền kiểm soát đa số trong công ty", một quan chức trong ngành nói với tờ Korea Times.
Sau khi thành lập Naver D2SF vào tháng 5 năm 2015, Naver đã đầu tư vào 70 công ty khởi nghiệp với tổng số vốn lên tới 1.300 tỷ won (tương đương 1,1 tỷ USD).
Về phần chiến lược đầu tư, phong cách của Naver và Kakao có đôi chút khác biệt. Naver đã tập trung nhiều hơn vào khía cạnh công nghệ. Ở phía ngược lại, Kakao không chỉ nhắm đến việc mua lại công nghệ mà còn tìm kiếm các nền tảng nội dung mới để bổ sung vào "đế chế" đa ngành hiện tại của mình.