Chia sẻ những khó khăn chung của cộng đồng DN, ông Hà Văn Thắng bày tỏ: Thời gian qua DN vô cùng khó khăn do hệ luỵ của rất nhiều vấn đề (hậu Covid-19, tình hình thế giới, thị trường trong nước có nhiều biến động…). Tuy nhiên, trong khó khăn cũng vẫn có những điểm sáng, thành quả đáng ghi nhận. Riêng đối với với mảng NN, các DN đầu tư vào lĩnh vực này tuy gặp rất nhiều khó khăn nhưng từng bước khẳng định vai trò, trụ đỡ của mình trong nền kinh tế. Kết quả, các chỉ tiêu về xuất khẩu, từ nông sản, thuỷ sản, hải sản, hoa quả đều đạt và vượt chỉ tiêu…
Các nhà đầu tư NN tuy còn nhiều khó khăn nhưng họ đã dần tìm cách ổn định, xác định lại mục đích đầu tư. Trong chăn nuôi, chúng ta đã dần hình thành các trang trại tạo giống rất lớn, chăn nuôi bò trên nền tảng mẹ ngoại nhập. VD: Tập đoàn Thaco Trường Hải đã có những đàn bò sinh sản gần trăm ngàn con, có thể cung cấp một lượng bò giống rất lớn cho vùng Tây Nguyên và Bắc Bộ. Nông sản, lúa gạo bên cạnh nhập khẩu, hiện các nhà sản xuất đã quan tâm đến việc chế biến sâu, sản xuất ra rất nhiều các sản phẩm xung quanh lúa gạo, lương thực, thực phẩm, đem lại giá trị gia tăng cho sản phẩm NN.
Mặc dù khó khăn vì đầu tư vào NN buộc phải có thời gian, không nhanh như các hoạt động thương mại khác, nhưng chắc chắn nó sẽ trở thành mũi nhọn. Hiện, nhiều DN đã đa dạng hoá các hoạt động NN, như xây dựng các nông trại sản xuất NN, vận dụng phát huy vai trò phát triển du lịch (du lịch trải nghiệm, du lịch giáo dục thông qua các nông trại NN…). Trên nền tảng kinh tế tuần hoàn, họ cũng làm rất tốt hoạt động xử lý môi trường, có rất nhiều nông trại có hệ sinh thái rất cân bằng, thu hút khách tham quan đến rất đông và muốn trở lại nhiều lần nữa… Đây là những cơ hội tốt để phát triển ngành NN, gắn với hoạt động du lịch và các ngành nghề khác. Trong một năm với rất nhiều khó khăn và những diễn biến khó lường, nhưng trên cơ sở thực tế hoạt động, các kết quả cụ thể, chúng tôi tin tưởng ngành NN sẽ hoàn thành nhiệm vụ của mình, giữ một vai trò rất lớn trong sự phát triển kinh kế của Việt Nam.
Trong năm mới 2024 và các năm tiếp theo, những thành quả đó sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển như thế nào, thưa ông?
Như tôi đã nói: Đây là một quy luật. Trong “nguy” sẽ có “cơ”, trong khó khăn bao giờ cũng có cơ hội. Tôi nghĩ rằng, việc phát triển NN bền vững và gắn với các dịch vụ, xác định rõ các vùng quy hoạch, rõ nhiệm vụ của từng khu vực cụ thể, từng địa phương và các ngành hàng sản xuất của mỗi khu vực khác nhau cũng có đầy đủ các quy hoạch, kế hoạch, ứng dụng được các khoa học công nghệ thì chắc chắn sang năm 2024 là cơ hội cho việc phát triển NN công nghệ cao, gắn với việc Việt Nam đã trở thành đối tác của các quốc gia lớn.
Và đây sẽ là những ảnh hưởng lớn giúp cho ngành NN. Bởi ngoài việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho các tập đoàn lớn, phát triển công nghệ IT, công nghệ số, thế mạnh của Việt Nam chỉ có NN, nhưng NN phải gắn với công nghệ, phải ứng dụng được công nghệ, trong đó có công nghệ số, công nghệ sinh học và phải phát triển trên nền tảng NN tuần hoàn thì mới phát triển bền vững, và phải đi theo hướng đó thì mới vững. Có bền vững thì mới thực sự có ý nghĩa, cũng như khẳng định được vai trò trong đời sống xã hội.
Ông là người cực kỳ tâm huyết, cũng như đã từng thử nghiệm và ứng dụng thành công kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong NN, góp phần thay đổi diện mạo của nông thôn Việt Nam. Ông có thể chia sẻ một số kết quả bước đầu mà ông đã đạt được trong thời gian vừa qua?
Nền KTTH là kết quả của quá trình sản xuất TH, dịch vụ TH và tất cả các hoạt động mang tính TH khác. Là một trong những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực này, ngoài các hoạt động cộng đồng, chúng tôi đã ứng dụng khá thành công mô hình này vào thực tế. VD: Năm 2022 - 2023, chăn nuôi rất khó khăn nhưng nhờ ứng dụng hoạt động TH vào sản xuất nên chúng tôi vẫn tận thu được các nguồn phế phụ phẩm của nó để cân bằng, giữ ổn định sản xuất, bù đắp lại các khó khăn. Ngoài việc giúp cân bằng hệ sinh thái môi trường, nó còn tạo ra các giá trị kinh tế. Cụ thể, trong chăn nuôi, bên cạnh đó là những nhà máy phân bón rất lớn chứa và xử lý phân vi sinh từ rác thải. Từ đó có nguồn phụ phẩm tạo ra thức ăn, giúp giảm giá thành, tăng giá trị kinh tế.
Đối với việc chế biến lúa gạo cũng vậy. Trước kia, người ta chỉ cấy lúa lấy gạo nhưng bây giờ, cám, trấu đều tạo ra thức ăn, biến thành các sản phẩm, vật tư hỗ trợ cho NN, tức là không bỏ đi cái gì. Đây là một hướng đi đúng đắn, kế thừa phương pháp, cách làm của cha ông chúng ta nhưng nó được phát triển trên nền khoa học công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào đó, bao gồm cả việc tiếp thu công nghệ số, quản trị số để quản lý, công nghệ sinh học, rồi bao gồm cả kinh tế chia sẻ, mọi người cùng tham gia để giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Tóm lại, KTTH là một hoạt động tổng thể để tạo nên một nền kinh tế bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Bên cạnh các tập đoàn kinh tế lớn, đa số hoạt động NN của chúng ta vẫn được tiến hành một cách nhỏ lẻ, manh mún. Vì vậy, xu hướng liên kết các hộ kinh doanh, người nông dân lại với nhau là vô cùng quan trọng. Thực tế, sợi dây liên kết đó được thực hiện như thế nào thưa ông?
Như tôi đã nói để có một nền KTTH hoàn chỉnh, rất cần sự tham gia của các đối tượng khác nhau. Các mô hình trang trại lớn của các tập đoàn kinh tế lớn hiện nay chính là đang thực hiện nhiệm vụ trung tâm vùng lõi, thực hiện nhiệm vụ dẫn dắt, hay nói cách khác là làm các công việc mà những người nông dân không thể làm. Thực tế, các tập đoàn lớn tham gia hoạt động này như: Tập đoàn Thaco Trường Hải; Bảo Minh, Hòa Phát… đều phải liên kết với các hộ nông dân để làm. Với vai trò của các nhà tư vấn, kết nối, chúng tôi luôn lấy các tập đoàn, DN đó là trung tâm, vùng lõi, dẫn dắt, còn người nông dân là các vùng sinh thái. Họ tham gia tùy theo sức của mình, với tinh thần nhiệm vụ ở đâu thì thực hiện ở đấy.
Theo đó, các tập đoàn, DN đều phải liên kết với nông dân, họ cung cấp cho người dân nguyên liệu đầu vào (phụ phẩm nông nghiệp, thức ăn chính tắc, ngô sinh khối, cỏ voi xanh..). Còn các nguyên liệu đầu ra như rơm rạ do người dân cung cấp. Do đó, cần phải có một sự lan tỏa, chia sẻ, với rất nhiều đối tượng tham gia thì nó mới giải quyết được vấn đề an sinh xã hội. KTTH thật sự phải giải quyết được 3 vấn đề: Một là đem lại giá trị kinh tế để tạo sự hấp dẫn cho người ta; Hai là phải giải quyết bài toán an sinh xã hội và Thứ ba là phải giải quyết bằng được bài toán môi trường, bảo vệ được môi trường thì mới là bài toán bền vững. Kinh tế bền vững chính là kết quả của các hoạt động sản xuất kinh doanh TH.
Trong điều kiện rất khó khăn nhưng nền kinh tế NN vẫn có những điểm nhấn và sức bật mạnh mẽ. Đâu là yếu tố dẫn tới những thành quả đó?
Như chúng ta đã biết, các mô hình kinh tế mới, trong đó có KTTH những năm gần đây được cơ quan quản lý, Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện nên dù điều kiện rất khó khăn nhưng nền sản xuất NN vẫn đạt được những thành tựu đáng kể. Thứ hai, phải kể đến sự linh hoạt của DN. 2 năm vừa qua, việc chăn nuôi bò vỗ béo rất khó khăn do giá liên tục xuống nhưng Tập đoàn Thaco Trường Hải vẫn không mấy khó khăn vì họ xác định làm con giống và họ vẫn cung cấp ra thị trường, mặc dù giá không cao như tính toán ban đầu nhưng họ vẫn giữ được ổn định. Nếu chúng ta không có sự linh hoạt đó cũng sẽ rất khó khăn. Các sản phẩm NN cũng vậy, các DN luôn tính toán để tạo ra nhiều sản phẩm thiết thực phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Và ngành NN là một ngành có rất nhiều dư địa phát triển. Rất nhiều DN linh hoạt, thông minh, tìm hướng phát triển. Trong khó khăn luôn có cơ hội, dần dần chúng ta sẽ thích ứng.
Là người luôn gần gũi với DN, người nông dân, ông có thể cho biết: Đâu là mong muốn của người tham gia sản xuất kinh doanh NN thời điểm này? Các chính sách pháp luật cần “gỡ vướng” cho họ như thế nào?
Thực tế, các nhà đầu tư vẫn chưa thực sự muốn đầu tư vào NN vì mấy lý do sau: Một là về chính sách thuế: Trong NN rất cần đổi mới, sáng tạo, cần đổi mới, cách làm mới, nhưng đó đây trong chính sách pháp luật lại chưa có nên khi giải quyết các vấn đề sẽ gặp vướng mắc. VD: Thuế VAT quy định rất rõ nhóm 20 mặt hàng, nhưng chỉ cần có một cái tên mới là họ không được hưởng chính sách đó; Hoặc là thu nhập DN, hoặc khai sản để bảo đảm tiền vay cũng vậy. Thực tế, phần lớn các tập đoàn lớn đầu tư vào NN đều phải lấy tài sản của mình để bù đắp vào đấy. Vì vậy, cần phải có chính sách riêng cho lĩnh vực này. Thứ hai, việc hỗ trợ DN làm kinh tế tuần hoàn tuy có nhiều chính sách nhưng nhà đầu tư vẫn chưa tiếp cận được vì các quy định còn rất phức tạp. Bởi vậy, chính sách cần hết sức cụ thể: Hỗ trợ cái gì? Hỗ trợ bao nhiêu? Và phải đơn giản, chặt chẽ để đối tượng thụ hưởng dễ nhận diện, tiếp cận, cơ quan quản lý dễ quản lý.
NN hiện nay rất cần đổi mới, sáng tạo. Vì thế rất cần Nhà nước cho phép thử nghiệm thí điểm các mô hình đổi mới sáng tạo, mà chưa có quy định của pháp luật. Có thể 3 - 5 năm tùy vào dự án, đề xuất, từ đó có đánh giá, nhân rộng. Thực tế, để làm một cái trang trại phải mất rất nhiều năm nhưng nếu nhà đầu tư đưa ra phương án tốt có thể cho họ thử nghiệm một vài năm, ông tổng kết tốt tôi cho ông làm tiếp, ngược lại không có kết quả ông phải dừng lại. Có như vậy, cơ quan quản lý Nhà nước mới không sợ vi phạm, có cơ chế đó chúng ta cũng mới phát huy được sự sáng tạo, đổi mới. Cơ quan Nhà nước không sợ vi phạm thì họ mới dám cho phép thử nghiệm các quy định đó. Nếu chúng ta không làm được điều đó thì câu chuyện đổi mới sáng tạo chỉ là khẩu hiệu!