Mức doanh thu mà Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội (Halico) ghi nhận trong kỳ là hơn 23 tỷ đồng, xấp xỉ so cùng kỳ 2019. Nhờ giá vốn hàng bán giảm 11% nên Halico ghi nhận lãi gộp tăng đến 63% lên 3,9 tỷ đồng.
Dù đã tiết giảm các loại chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp nhưng Halico lỗ hơn 5,5 tỷ đồng trong quý III, cải thiện hơn so với số lỗ gần 13 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Như vậy trong 9 tháng, doanh nghiệp mang về doanh thu gần 80 tỷ đồng và báo lỗ gần 21 tỷ đồng. Ghi nhận thêm khoản này, lỗ luỹ kế của Halico tại ngày 30/9 đến 434 tỷ đồng, trong khi vốn góp chủ sở hữu của doanh nghiệp chỉ 200 tỷ đồng. Như vậy số lỗ gấp đôi vốn góp.
Báo cáo tài chính cũng cho biết, tài sản của công ty tại ngày 30/9 giảm 6% so với hồi đầu năm về 397 tỷ đồng. Trong đó hàng tồn kho chiếm gần 82 tỷ đồng, chiếm 22% tổng tài sản.
Nợ phải trả chiếm 18 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nợ ngắn hạn. Halico không vay nợ tài chính ngắn cũng như dài hạn.
Halico tiền thân là Nhà máy Rượu Hà Nội xây dựng từ năm 1898 và là nhà máy sản xuất cồn rượu đầu tiên tại Việt Nam. Từng có giai đoạn nhà máy này chiếm đa số thị phần rượu phía Bắc, kết quả kinh doanh những năm trước 2010 cũng rất khả quan. Hãng thậm chí từng được đánh giá là doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh, với mức tăng bình quân 25%/năm.
Bước ngoặt lớn nhất của hãng sản xuất rượu hơn 120 năm tuổi này chính là sự có mặt của đối tác chiến lược Diageo vào năm 2011. Thông qua Streetcar Investment Holding, hãng rượu lớn nhất thế giới đã chi ra gần 1.800 tỷ đồng để sở hữu 45,57% vốn tại Halico. Hiện tại, Diageo vẫn là cổ đông lớn thứ 2 tại doanh nghiệp này sau Habeco, nắm giữ 54,29%.
Có cổ đông lớn là 2 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất đồ uống có cồn, tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Halico liên tục đi xuống. Báo cáo thường niên của Diageo cũng cho biết tính đến hết ngày 30/6/2015, hãng đã phải trích lập 41 triệu bảng Anh cho thương vụ đầu tư vào Halico.
Lãnh đạo hãng này từng thừa nhận thị hiếu và yêu cầu của người tiêu dùng đối với rượu ngày càng khắt khe về chất lượng, hình ảnh và bao bì mẫu mã. Trong khi đó, Halico đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng rượu trong và ngoài nước.
Đặc biệt, các nhà sản xuất rượu cũng phải đối mặt với tình trạng trốn thuế, làm giả của các cơ sở tư nhân, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, công bằng.
Mới nhất, Halico cũng như nhiều hãng sản xuất, phân phối rượu bia khác tại Việt Nam còn là đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng từ Nghị định 100 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó xử phạt rất nặng với việc tài xế tham gia giao thông mà trong hơi thở có nồng độ cồn.
Tuy chìm trong thua lỗ nhưng Halico vẫn được đánh giá là một doanh nghiệp tiềm năng khi có trong tay khối tài sản là những “mảnh đất vàng” ở thủ đô và các tỉnh lân cận. Halico hiện quản lý và sử dụng 7 cơ sở đất với tổng diện tích hơn 23,3 ha. Cơ sở tại 28 Đồng Nhân và 94 Lò Đúc tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đều là đất thuế trả tiền hàng năm, thời hạn thuê 50 năm từ năm 1993.
Công ty này cũng có khu đất 15 ha tại xã Long Châu, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh thuê đất của doanh nghiệp để xây dựng nhà máy sản xuất cồn rượu với thời hạn sử dụng đất đến năm 2054.