Ngày pháp luật

Nửa cuối năm 2023, chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng và vẫn còn cơ hội cho nhà đầu tư "lỡ tàu"

Theo Nhịp sống thị trường

Kinh tế trưởng TPS cho rằng, vì vốn là đầu vào của hầu hết các ngành nên khi lãi suất giảm, mọi lĩnh vực đều được hưởng lợi. Trên thị trường chứng khoán, sẽ có một số nhóm ngành như chứng khoán, bất động sản, xây dựng, ngân hàng, xuất nhập khẩu, sản xuất hàng tiêu dùng sẽ phản ứng trước.

Tại chương trình “Cơ hội nào cho nhà đầu tư ‘lỡ sóng’ nửa cuối năm 2023”, các chuyên gia từ công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết, nửa cuối năm 2023, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục nới lỏng, các chính sách tài khóa tiếp tục được đẩy mạnh và vẫn có cơ hội trên thị trường chứng khoán dành cho nhà đầu tư “lỡ sóng”.

Cụ thể, bà Phan Thị Liên - Kinh tế trưởng TPS cho rằng vì vốn là đầu vào của hầu hết các ngành nên khi lãi suất giảm, mọi lĩnh vực đều được hưởng lợi. Trên thị trường chứng khoán, sẽ có một số nhóm ngành như chứng khoán, bất động sản, xây dựng, ngân hàng, xuất nhập khẩu, sản xuất hàng tiêu dùng sẽ phản ứng trước.

Nửa cuối năm 2023, chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng và vẫn còn cơ hội cho nhà đầu tư "lỡ tàu" - Ảnh 1

Theo đó, chứng khoán là thị trường của sự kỳ vọng, nên ngay khi vừa có thông tin hạ lãi suất, thị trường đã xuất hiện những dự báo về sự phục hồi kết quả của doanh nghiệp. Từ đó, dòng tiền nhanh chóng tìm đến nhóm này. Ngoài ra, việc sức khỏe của các đơn vị sản xuất kinh doanh phục hồi cũng sẽ khiến cho thu nhập của người lao động được cải thiện và có thặng dư nhiều hơn, kéo theo nhu cầu tiết kiệm đầu tư tăng lên. Mặt khác, việc lãi suất hạ xuống cũng làm cho lợi tức của các kênh đầu tư như tiền gửi giảm đáng kể. Điều này đã gián tiếp kích thích nhà đầu tư mong muốn lãi suất cao đến với thị trường chứng khoán nhiều hơn. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ từ tín dụng của ngân hàng, các nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức sẽ có thêm năng lực tài chính để có thể đổ tiền vào chứng khoán.

Nhóm kế tiếp được bà Liên đánh giá sẽ hưởng lợi khi lãi suất giảm là ngành bất động sản và theo sau là nhóm xây dựng.

Với nhóm sản xuất xuất khẩu, Kinh tế trưởng TPS cho rằng lãi suất giảm sẽ giúp các doanh nghiệp này có chi phí vốn rẻ hơn, cộng thêm giá nguyên vật liệu đầu vào đang đi xuống, năng lực cạnh tranh của các đơn vị này trên thị trường quốc tế theo đó cũng được cải thiện.

“Lãi suất thấp hơn sẽ giúp cho nhiều dự án đáp ứng được chỉ tiêu suất sinh lời theo yêu cầu của chủ đầu tư. Do đó, số lượng doanh nghiệp quay lại vay vốn cũng sẽ nhiều hơn. Từ đó, ngành ngân hàng có thể ghi nhận những tác động tích cực”, Kinh tế trưởng TPS đánh giá về ngành ngân hàng.

Đối với ngành sản xuất hàng tiêu dùng, việc lạm phát hạ nhiệt, lãi suất giảm xuống, sẽ giúp sức mua của người tiêu dùng lớn hơn. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành hàng này theo đó cũng được thúc đẩy mạnh mẽ.

Các chuyên gia tại chương trình
Các chuyên gia tại chương trình

Cũng tại chương trình, ông Nguyễn Vũ Thạnh - Giám đốc Tư vấn đầu tư công ty chứng khoán TPS cho biết, có 3 dạng cơ hội để đầu tư trong 6 tháng cuối năm, gồm có: 1) những cổ phiếu đã đi lên từ trước, song đã có sự điều chỉnh và chuẩn bị quay lại đà tăng giá; 2) các ngành có sự hỗ trợ từ các chính sách; 3) các mã chứng khoán chưa tăng giá trong 6 tháng đầu năm.

“Nếu cổ phiếu thuộc 6 nhóm ngành đã tăng mạnh từ đầu năm gồm: 1) đầu tư công, 2) ngân hàng, 3) chứng khoán, 4) thép, 5) bất động sản, 6) dầu khí có sự điều chỉnh, những nhà đầu tư, thích mạo hiểm, nhanh nhạy có thể tham gia tích lũy. Nếu không nhanh nhạy, nhóm cổ phiếu Blue Chip, dệt may, thủy sản, sản xuất vẫn có tiềm năng. Ngoài ra, các cổ phiếu vẫn chưa tăng mạnh, còn nằm ở vùng định giá 900 điểm của VN-Index cũng có thể có cơ hội”, ông Thạnh đánh giá.

Tin Cùng Chuyên Mục