Cầu nối doanh nghiệp 3 nước
Phát biểu mở đầu sự kiện, bà Bùi Thị Minh Hoài - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho biết: Diễn đàn “Nữ doanh nhân và kinh tế xanh” là sáng kiến của Hội phụ nữ 3 nước, rất phù hợp với xu thế phát triển xanh và bền vững của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có 3 nước. Tham gia phát triển kinh tế xanh có nhiều chủ thể, trong đó doanh nghiệp là một trong những chủ thể quan trọng nhất. Cùng với nỗ lực chung của cộng đồng doanh nhân, nữ doanh nhân là lực lượng không thể tách rời trong chiến lược tăng trưởng xanh, góp phần kiến tạo một hệ sinh thái tăng trưởng bền vững.
Theo bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam: Cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nữ, là một lực lượng quan trọng trong tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; Là một phần không thể tách rời trong Chiến lược tăng trưởng xanh của đất nước. Bà mong muốn và kêu gọi phụ nữ 3 nước cùng hợp tác, đoàn kết tiếp tục hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tích cực đóng góp vào nền kinh tế xanh và cho một tương lai bền vững hơn.
Tại Diễn đàn, Đại diện Hội LHPN 3 nước đã tổng kết tình hình hoạt động bình đẳng giới và chuyển đổi kinh tế xanh tại các quốc gia. Theo đó, Việt Nam - Lào - Campuchia đều đang có lượng lớn nữ giới tham gia lao động, trong đó, phần lớn doanh nghiệp do nữ làm chủ có quy mô vừa và nhỏ; Chủ trương của cả 3 nước đều chú trọng thực hiện hiệu quả các cam kết về phụ nữ, bình đẳng giới và phát triển kinh tế xanh.
Cơ hội trao đổi kinh nghiệm
Trong khuôn khổ sự kiện, đã diễn ra phiên thảo luận “Phát huy vai trò của nữ doanh nhân 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia vì phát triển kinh tế xanh và bền vững”. Tại đây, ông Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Bộ đã xây dựng Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và được Quốc hội thông qua. Trong đó có các điểm đáng chú ý về tín dụng xanh, trái phiếu xanh, kinh tế tuần hoàn… Luật Đất đai, Luật Quản lý khoáng sản đều được lồng ghép các yếu tố để thúc đẩy bảo vệ tài nguyên, phát triển kinh tế xanh.
Ở cấp độ quy hoạch, Bộ cũng đã xây dựng theo hướng phát triển xanh. Mới đây, Bộ được giao xây dựng Kế hoạch quốc gia về phát triển kinh tế tuần hoàn, theo Dự thảo, mỗi địa phương sẽ có các kế hoạch hành động riêng nhằm thúc đẩy kinh tế xanh cho các doanh nghiệp, hướng đến doanh nghiệp cộng đồng trở thành trung tâm xã hội, Nhà nước chỉ đóng vai trò cung cấp công cụ.
Là một doanh nghiệp đã “xanh hóa” thành công, bà Đào Thúy Hà - Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh và Marketing, Công ty Cổ phần Traphaco chia sẻ kinh nghiệm: “Mô hình ESG đã giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Cụ thể, Traphaco đã khởi xướng dự án “Green Plan” - xây dựng được vùng nguyên liệu trên 36.300 ha trải dài trên 24 tỉnh thành từ Bắc vào Nam, trong đó có 5 dược liệu có vùng trồng/thu hái đạt chuẩn quốc tế GACP-WHO. Đáng chú ý, bản thân doanh nghiệp phải trực tiếp hướng dẫn người dân về quy trình trồng, cách thu hoạch… để làm được điều này, rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Về vấn đề bình đẳng giới, mọi hợp đồng của chúng tôi với các hộ gia đình đều yêu cầu có chữ ký của cả vợ và chồng để bảo đảm tất cả thành viên đều hiểu và biết cách phát triển sản xuất theo mô hình xanh”.
Lý giải những khó khăn của các doanh nghiệp Lào nói riêng và doanh nghiệp 3 nước nói chung, bà Bounmy Songbandith - Thành viên Ban Lãnh đạo Hiệp hội Nữ doanh nhân tỉnh Chăm-pa-sắc của Lào, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Pavina cho rằng: “Khó khăn lớn nhất là sự thiếu thông tin, hiểu biết về cách thức, quy trình, hiệu quả của chuyển đổi xanh. Đơn cử với doanh nghiệp sản xuất gạo hữu cơ của tôi, chúng tôi phải vừa sản xuất vừa đào tạo đối tác hiểu về cách sử dụng phân vi sinh, hữu cơ cũng như hạn chế sử dụng hóa chất trong sản xuất”.
Đồng quan điểm với đại diện Lào, bà Chen Sopheap - Thành viên Ban Lãnh đạo Hội Phụ nữ Campuchia vì Hòa bình và Phát triển, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Keiy Tambanh Khmer (KTK), sản xuất phụ kiện lụa và dệt bông thủ công ở Campuchia nhận định: “Thử thách của doanh nghiệp Campuchia và cũng có thể là của cả 3 nước, nằm ở 5 vấn đề lớn khi triển khai kinh tế xanh: 1. Kiến thức và kỹ năng còn hạn chế do các nữ doanh nhân chỉ hoạt động ở mức độ nhỏ và vừa, trong khi kinh tế xanh đòi hỏi quản lý và hiểu biết ở quy mô cao; 2. Đòi hỏi cao về nguồn lực, kinh phí để thực hiện, do đó, doanh nghiệp sẽ cần sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức; 3. Mạng lưới kết nối về kinh tế xanh còn hạn chế, số người biết nhiều nhưng ủng hộ ít, chưa tạo thành cộng đồng; 4. Các vấn đề về ưu tiên - trách nhiệm gia đình của nữ doanh nhân thường cao hơn các nam doanh nhân, do đó, việc thúc đẩy bình đẳng giới sẽ giảm bớt gánh nặng cho phụ nữ; 5. Vấn đề tư tưởng - người sử dụng chưa thực sự hiểu doanh nghiệp và giá trị sản phẩm, sản phẩm xanh với giá cao hơn còn khó cạnh tranh trên thị trường”.
Bà Chen Sopheap khẳng định, quan trọng là doanh nghiệp, Chính phủ và xã hội đều phải hiểu giá trị của kinh tế xanh để họ tình nguyện lựa chọn đi theo hướng phát triển đó. Hội Phụ nữ Campuchia vì Hòa bình và Phát triển cũng đã có dự án phối hợp với Bộ Công nghiệp tổ chức các cuộc thi về kinh tế xanh, kết nối với các đơn vị để chuyển đổi xanh.