Tỉnh Quảng Ninh vừa thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng về các nội dung đề xuất của Công ty cổ phần Tập đoàn Bến Thành Holdings về việc triển khai các dự án tại Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái. Trong số đó, có 2 dự án lớn, tổng mức đầu tư hơn 65.000 tỷ đồng từng được doanh nghiệp đề cập đến tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh hồi tháng 6.
Cụ thể, cách đây 3 tháng, Tập đoàn Bến Thành đề xuất đầu tư 2 dự án tại Quảng Ninh gồm dự án dự án khu công nghiệp dịch vụ logistics, công nghệ cao, cảng biển Hải Hà và khu phức hợp thương mại, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng đa năng tại đảo Cái Chiên, đảo Thoi Xanh. Cả hai dự án này đều thuộc huyện Hải Hà.
Trong đó, dự án khu công nghiệp dịch vụ logistics, công nghệ cao và cảng biển Hải Hà có quy mô gần 5.000 ha, triển khai trong 2,5 năm. Tổng mức đầu tư của dự án là 58.200 tỷ đồng (khoảng 2,5 tỷ USD). Còn dự án Khu phức hợp thương mại, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng đa năng tại đảo Cái Chiên có quy mô nghiên cứu khoảng 2.550 ha, có tổng mức đầu tư khoảng 7.108 tỷ đồng, dự kiến triển khai trong 2,5 năm. Riêng 2 dự án này, tổng mức đầu tư đã lên tới hơn 65.000 tỷ đồng (khoảng 2,8 tỷ USD).
Tuy nhiên, trong buổi làm việc mới đây, Tập đoàn Bến Thành còn đề xuất tham gia đề xuất lập quy hoạch một loạt dự án nữa tại Móng Cái gồm Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Trung - Vĩnh Thực, Khu đô thị sinh thái tại phường Hải Hoà (TP Móng Cái), Khu dịch vụ phi thuế quan tại phường Hải Hoà, TP Móng Cái.
Nữ đại gia "bí ẩn" đứng sau Tập đoàn Bến Thành
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần Tập đoàn Bến Thành Holdings Group thành lập tháng 1/2004, trụ sở tại Quận 1, TP HCM. Người đại diện pháp luật của công ty là bà Đào Ngọc Bảo Phương (sinh năm 1994).
Tổng vốn điều lệ của Bến Thành Holdings hiện là 12.600 tỷ đồng, trong đó riêng bà Đào Ngọc Bảo Phương nắm giữ 7.600 tỷ, chiếm 60% vốn điều lệ. Công ty cổ phần Tập đoàn The One góp 2.520 tỷ đồng, tương đương 20% cổ phần. Ông Bùi Ngọc Quý cũng góp 2.520 tỷ đồng, tương đương 20% cổ phần.
Ngoài Bến Thành Holdings, bà Đào Ngọc Bảo Phương còn là người đại diện pháp luật cho 16 doanh nghiệp khác đang hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau từ giáo dục, spa - thẩm mỹ cho đến khách sạn, bất động sản.Các doanh nghiệp này có thể kể đến như Công ty cổ phần Bến Thành Investment Group, Công ty cổ phần Chợ Lớn Capital, Công ty cổ phần Tập đoàn VNA, Công ty cổ phần đầu tư Văn Lang Bình Thuận, Công ty TNHH Chloe Hospitality...
Không phải tới khi thông tin bà Phương nắm giữ khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng tại Bến Thành Holdings, nữ doanh nhân này mới được chú ý. Cuối năm 2018, tức là khi mới 24 tuổi, nữ đại gia 9X này từng gây chú ý với thương vụ mua 2 toà lâu đài của Tập đoàn Khaisilk là khách sạn TajmaSago và nhà hàng Cham Charm, thông qua pháp nhân là công ty Chloe Hospitality. Giá trị chuyển nhượng không được công bố, tuy nhiên hai công trình trên từng được Khaisilk cho biết đã đầu tư hơn 30 triệu USD...
Tham vọng của Bến Thành Holdings
Ngoài câu chuyện về nữ doanh nhân 9x đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, Bến Thành Holdings thực tế cũng đang trở thành một "tay chơi" lớn trên thị trường bất động sản.
Trước khi tăng vốn điều lệ lên 12.600 tỷ đồng như hiện nay, cuối năm 2019, vốn điều lệ thực góp của doanh nghiệp này mới chỉ có 18 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là tư vấn, môi giới đấu giá bất động sản.
Việc tăng vốn với quy mô tương đương một doanh nghiệp bất động sản tầm cỡ đi cùng những tham vọng mới của tập đoàn này. Trong đó, Bến Thành Holdings gần đây đã lộ rõ ý định lấn sân sang thị trường bất động sản phía Bắc, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh, với những siêu dự án quy mô lớn đã được đề cập phía trên.
Tất nhiên, việc tăng vốn lên hơn chục nghìn tỷ cùng đề xuất làm hàng loạt dự án lớn có thể vẫn chưa đủ sức thuyết phục giới đầu tư tin tưởng vào tiềm lực của Bến Thành Holdings, đặc biệt khi lĩnh vực bất động sản luôn đòi hỏi những câu chuyện "người thật, việc thật". Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ khác, ví dụ như tiềm lực của những người đứng sau Bến Thành Group, câu chuyện có phần dễ lý giải hơn.
Công ty cổ phần Tập đoàn The One - cổ đông ít được chú ý trog cơ cấu của Bến Thành Holdings với tỷ lệ sở hữu chỉ 20% - có thể là một mắt xích kết nối doanh nghiệp này vào một hệ sinh thái lớn hơn. The One đặt trụ sở tại Lầu 4, Tòa nhà Bến Thành Tower, Lê Thị Hồng Gấm, Quận 1, TP HCM. Địa chỉ này cũng trùng với một loạt công ty trong hệ thống của Capella Holdings, tập đoàn của doanh nhân Nguyễn Cao Trí (sinh năm 1970).
Theo giới thiệu của Capella Holdings, năm 2015, công ty này đã sở hữu tới 9 thương hiệu nổi tiếng trong các lĩnh vực: giải trí (Air 360 Sky Bar, Chill Bar, La Vie En Rose Live Music & Bar), trung tâm hội nghị tiệc cưới (Riverside Palace, Claris Palace, Capella Park View, Capella Center), hệ thống nhà hàng Hoa, Nhật, Việt Nam (San Fu Lou, Sorae, Dì Mai).
Ngoài phân khúc ẩm thực, giải trí, đại gia Nguyễn Cao Trí còn xuất hiện trong ban lãnh đạo của Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khánh Hội (Khahomex - Mã CK: KHA), một doanh nghiệp có cổ phiếu giao dịch trên UPCoM. Ông Trí từng giữa vai trò Chủ tịch HĐQT tại KHA, trước khi rút xuống vị trí thành viên HĐQT như hiện nay.
Một thông tin đáng chú ý là mới đây, bà Đào Ngọc Bảo Phương đã trở thành cổ đông lớn của KHA sau khi mua vào 2,5 triệu cổ phiếu, tương đương sở hữu gần 18%. Bên cạnh đó, "đại bản doanh" của Bến Thành Holdings cũng được đặt cùng địa chỉ với Capella Holdings.
Ngoài ra, theo nguồn tin của Doanhnhan.vn, Bến Thành Holdings, Capella Holdings, bà Đào Ngọc Bảo Phương và ông Nguyễn Cao Trí còn có mối liên quan tới Vạn Thịnh Phát - một doanh nghiệp kín tiếng của bà Trương Mỹ Lan hiện sở hữu quỹ đất lớn ở những vị trí đắc địa tại TP HCM.