Dự kiến trả cổ tức tiền mặt sau 10 năm
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã ck: EIB) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024. Đại hội sẽ được tổ chức vào sáng ngày 26/4 tại Trung tâm Hội nghị GEM Center - số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM.
Tại Đại hội, Eximbank dự kiến sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2024, với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5.180 tỷ đồng, tăng 90,4% so với kết quả thực hiện năm 2023. Tổng tài sản dự kiến tăng thêm 11%, đạt mức 223.500 tỷ đồng; trong đó dư nợ tín dụng tăng 14,6%, lên 161.000 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu giảm về ngang với năm 2022, ở mức 1,8%. Huy động vốn bao gồm tiền gửi và phát hành giấy tờ có giá tăng 10,5%, lên 175.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Eximbank sẽ trình cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 với đề xuất dùng 1.741 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 10%, thông qua hai hình thức là cổ phiếu (7%) và tiền mặt (3%).
Về phương án chia cổ tức bằng tiền mặt, số tiền mà ngân hàng dự kiến chi ra là 522 tỷ đồng. Nếu được cổ đông thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên Eximbank trả cổ tức bằng tiền mặt sau 10 năm. Lần gần nhất nhà băng này trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông diễn ra vào năm 2014 với tỷ lệ 4%.
Với phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, ngân hàng dự kiến phát hành thêm 121,9 triệu cổ phiếu mới, tương ứng vốn điều lệ tăng thêm 1.219 tỷ đồng. Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ đạt 18.688 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành là trong năm 2024.
Cũng tại ĐHĐCĐ năm nay, HĐQT Eximbank sẽ tiếp tục trình cổ đông thông qua kế hoạch bán cổ phiếu quỹ tương tự như nghị quyết năm trước. Đầu năm 2024, Eximbank đã thực hiện bán gần 6,1 triệu cổ phiếu quỹ với giá mục tiêu bình quân không thấp hơn 20.199 đồng/cp, được tính theo lãi suất huy động bình quân từ 2014 đến 2023. Tuy nhiên, ngân hàng đã không bán được cổ phiếu nào do giá thị trường chưa đạt mục tiêu.
Lùm xùm liên quan đến nợ xấu
Thời gian gần đây, Eximbank được dư luận chú ý sau sự vụ: Một khách hàng sử dụng thẻ tín dụng của Eximbank với dư nợ ban đầu hơn 8,5 triệu đồng, sau gần 11 năm không trả thì dư nợ hiện tại lên hơn 8,8 tỷ đồng.
Liên quan đến sự vụ này, chia sẻ với báo giới, đại diện Eximbank cho biết đây là khoản nợ quá hạn đã kéo dài gần 11 năm, Eximbank đã nhiều lần thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng, tuy nhiên, khách hàng vẫn chưa có phương án xử lý nợ.
Tính đến thời điểm hiện tại, Eximbank cũng khẳng định chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ khách hàng. Theo đại diện, phương thức tính lãi, phí lphù hợp với thỏa thuận giữa Eximbank và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ ngày 15/3/2013 có đầy đủ chữ ký khách hàng (quy định về phí, lãi được quy định rõ trong Biểu phí phát hành, sử dụng thẻ đã được đăng tải công khai trên website của Eximbank).
Tuy nhiên, trước áp lực từ dư luận, Eximbank sau đó đã “xuống nước”. Sau cuộc gặp gỡ với khách hàng ngày 19/3, đơn vị này cho biết: "Ngay khi có thông tin trên báo chí, Eximbank đã và đang khẩn trương kiểm tra, rà soát, đánh giá và điều chỉnh lại chính sách, quy định, quy trình, hợp đồng, thỏa thuận, trong đó có phương pháp tính lãi, phí trong việc cho vay, cấp tín dụng qua thẻ cũng như quy trình chăm sóc khách hàng để kịp thời hỗ trợ, chia sẻ, đảm bảo lợi ích hài hòa cho cả ngân hàng và khách hàng”.
Nhìn chung, chất lượng tín dụng của Eximbank đã đi xuống rõ rệt trong năm 2023 trước đó. Tổng nợ xấu của ngân hàng tại thời điểm 31/12/2023 lên đến 3.726 tỷ đồng, tăng 58% sau một năm. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Eximbank theo đó cũng tăng từ 1,8% hồi đầu năm lên 2,65% vào thời điểm cuối năm 2023.
Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (Nợ nhóm 3) là 446 tỷ đồng, tăng 68%; nợ nghi ngờ (Nợ nhóm 4) là 1.412 tỷ đồng, tăng 213%; nợ có khả năng mất vốn (Nợ nhóm 5) là 1.868 tỷ đồng, tăng 14%. Ngoài ra, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) của Eximbank cũng tăng 37% lên 1.839 tỷ đồng. Dù chưa phải nợ xấu, nhưng với việc nợ nhóm 2 gia tăng đáng kể cho thấy tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu rất cao. Với nợ xấu lớn như hiện tại, không dễ để Eximbank hoàn thành mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 1,8% trong năm 2024.