Ngày pháp luật

Nợ xấu tăng dù chưa tiếp quản ngân hàng yếu kém, MB (MBBank) 'trúng quả đậm' từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm nhờ vào 2 công ty con vốn nghìn tỷ MIC và MB Ageas Life

Quỳnh Chi

MB hiện đang sở hữu hai công ty con trong lĩnh vực bảo hiểm là Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC – mã CK: MIG) và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas (MB Ageas Life).

 “Ăn đậm” từ bảo hiểm

2022 ghi dấu một năm bội thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của hàng loạt ngân hàng lớn trong đó dẫn đầu hệ thống là Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB – mã CK: MBB). Doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm của nhà băng này lên đến 10.185 tỷ đồng, tăng gần 1.800 tỷ đồng so với năm 2021 trước đó.

Nợ xấu tăng dù chưa tiếp quản ngân hàng yếu kém, MB (MBBank) 'trúng quả đậm' từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm nhờ vào 2 công ty con vốn nghìn tỷ MIC và MB Ageas Life  - Ảnh 1

Thực tế, doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm của MB đã liên tục tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2017 đến nay. Từ mức khiêm tốn gần 1.900 tỷ đồng cách đây 5 năm, doanh thu từ hoạt động này của MB đã tăng gấp 5,5 lần và vượt 10.000 tỷ trong năm 2022 vừa qua. Nguồn thu này hiện chiếm đến hơn 70% doanh thu từ mảng dịch vụ của MB.

MB hiện đang sở hữu hai công ty con là Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC – mã CK: MIG) và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas (MB Ageas Life). MIC có vốn điều lệ 1.650 tỷ đồng trong đó MB nắm quyền chi phối đến 68,4% cổ phần. Trong khi đó, tại thời điểm cuối năm 2021, MB Ageas có vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng và tỷ lệ sở hữu của MB ở mức 61%.

Giống như MB, MIC hiện cũng đang niêm yết trên HoSE với mã chứng khoán MIG. Năm 2022, MIC ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm lũy kế cả năm đạt 3.773 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng tăng mạnh đến gần 50% so với cùng kỳ, lên 3.194 tỷ đồng. Kết quả, MIC lãi trước thuế hơn 200 tỷ đồng, giảm 28,5% so với năm 2021 trước đó.

Trong khi đó, MB Ageas Life là công ty bảo hiểm nhân thọ được xây dựng trên cơ sở liên doanh giữa 3 đối tác gồm MB, Tập đoàn Ageas từ Bỉ và Công ty Bảo hiểm nhân thọ Muang Thai từ Thái Lan. Với 24.000 đại lý tính đến cuối năm 2021, MB Ageas Life đang phục vụ khoảng 2 triệu khách hàng trên cả nước. Doanh thu khai thác mới đạt 2.119 tỷ đồng, tăng 68% so với năm 2020.

Nợ xấu tăng mạnh dù chưa tiếp quản ngân hàng yếu kém

Bên cạnh hoạt động kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm, thu nhập lãi thuần và kinh doanh ngoại hối của MB cũng tăng trưởng trong năm 2022. Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro gần như không đổi. Kết quả, nhà băng này lãi trước thuế 22.729 tỷ đồng năm 2022, tăng 37,5% so với năm trước và đạt 111,8% kế hoạch năm.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của MB đạt 728.532 tỷ đồng, tăng 20% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 26,7% lên hơn 460.000 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 15,3% đạt 443.605 tỷ đồng.

Cùng với đà tăng dự nợ tín dụng, nợ xấu của ngân hàng cũng tăng mạnh đến 54% so với đầu năm, lên hơn 5.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cũng theo đó tăng từ 0,9% lên 1,09%. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) đã tăng gấp 2,8 lần so với một năm trước lên mức 2.293 tỷ đồng.

CEO nói gì về việc nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém

Tại báo cáo của hội đồng quản trị dự kiến trình cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 dự kiến diễn ra ngày 25/4 tới đây, một thông tin đáng chú ý được nhắc đến là việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại; định hướng tìm kiếm, tham gia, triển khai các cơ hội sáp nhập/hợp nhất, cơ cấu lại/hỗ trợ tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng phù hợp chủ trương của Nhà nước.

Trước đó, trả lời chất vấn cổ đông về việc nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, ông Lưu Trung Thái - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MB cho biết nguyên nhân có một phần là nhiệm vụ chính trị, do MB là ngân hàng lớn, hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, ý nghĩa kinh tế của kế hoạch này còn quan trọng hơn, giúp ngân hàng có không gian tăng trưởng tốt hơn.

Cổ đông của MB khó có thể yên tâm khi chưa nhận về một ngân hàng yếu kém, nhưng nợ xấu của MB đã tăng mạnh trong thời gian qua. Ảnh: MN
Cổ đông của MB khó có thể yên tâm khi chưa nhận về một ngân hàng yếu kém, nhưng nợ xấu của MB đã tăng mạnh trong thời gian qua. Ảnh: MN

“MB sẽ không phải bỏ một đồng vốn nào để mua ngân hàng yếu kém này mà được chuyển giao bắt buộc từ Ngân hàng Nhà nước. Để cứu ngân hàng yếu kém không đổ vỡ, họ bắt buộc phải chuyển giao về Nhà nước với giá 0 đồng và thuộc sở hữu nhà nước” - ông Lưu Trung Thái nhấn mạnh.

Theo nhiều đồn đoán, ngân hàng chuyển giao bắt buộc là OceanBank tuy nhiên đến thời điểm hiện tại MB vẫn chưa công bố chính thức sẽ nhận chuyển giao ngân hàng nào. Một trùng hợp là tại hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh 2022 của OceanBank, ông Lưu Trung Thái đã có mặt phát biểu với tư cách khách mời, cũng cho biết  “Việc hợp tác với OceanBank vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là cơ hội của MB”.

Tại Đại hội đồng cổ đông sắp tới, hội đồng quản trị MB sẽ báo cáo việc tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ đã được cổ đông thông qua vào năm 2022, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. MB nêu phương án tăng vốn thêm 1.542 tỷ đồng (gồm chào bán cổ phiếu riêng lẻ và phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên).

Tin Cùng Chuyên Mục