Ngân hàng TMCP Quân đội (mã CK: MBB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022.
Kết quả kinh doanh ghi nhận thu nhập lãi thuần 8.385 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 5% lên 1.117 tỷ đồng.
Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 97% đạt 467 tỷ đồng. Lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh tăng 4 lần, lên 99,5 tỷ đồng, trong khi lãi thuần từ chứng khoán đầu tư tăng 52% lên 1.024 tỷ đồng.
Tổng thu nhập hoạt động tăng 27% lên 11.631 tỷ đồng và chi phí tăng 28% ở mức 3.597 tỷ đồng. Ngân hàng lãi trước trích lập 8.033 tỷ đồng, tăng 26%. Sau khi trừ dự phòng rủi ro tài chính hơn 2.125 tỷ đồng (tăng 17%), MB lãi trước thuế 5.908 tỷ đồng, tăng 30% so với quý I/2021, thực hiện 29% kế hoạch năm.
Đến 31/3, tổng tài sản tăng 7% lên 649.040 tỷ đồng so với cuối năm trước. Trong đó, chứng khoán đầu tư tăng 6% lên 136.044 tỷ đồng.
Dư nợ cho vay tăng 14% lên 415.549 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức gần 1%, với 4.128 tỷ đồng, cao hơn 26% so với cuối năm trước. Nợ nhóm 5 tăng 55% lên 1.269 tỷ đồng và nợ nhóm 4 tăng 51% lên 1.538 tỷ đồng.
Tiền gửi khách hàng tăng 1,4%, lên 390.174 tỷ đồng. Tiền gửi không kỳ hạn hơn 161.673 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm, chiếm 41,4% cơ cấu. Phát hành giấy tờ có giá tăng 7% lên 72.036 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 17.452 tỷ đồng.
Gần đây nhất trong ĐHĐCĐ của MB ngày 25/4/2022, lãnh đạo Ngân hàng cho biết nhận chuyển giao một nhà băng yếu kém vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa giúp có không gian tăng trưởng tốt hơn.
Theo ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB thì việc nhận chuyển giao có một phần là nhiệm vụ chính trị, do MB là ngân hàng lớn, hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, ý nghĩa kinh tế của kế hoạch này còn quan trọng hơn, giúp ngân hàng có không gian tăng trưởng tốt hơn.
Nhà băng này hoàn toàn có thể tăng trưởng cao hơn dư địa được Ngân hàng Nhà nước cho phép, có thể 30-35% mỗi năm mà vẫn đảm bảo kiểm soát được rủi ro.
Cũng theo ông Thái, MB không phải bỏ tiền khi nhận chuyển giao bởi đây là đơn vị yếu kém trong diện tái cơ cấu, đã bị mua lại 0 đồng. Danh tính của ngân hàng này hiện chưa tiết lộ, nhưng một số thông tin cơ bản về chất lượng tài sản đã được CEO MB nhắc tới.
"Sau khi nhận chuyển giao, ngân hàng này thuộc sở hữu của MB nên chúng tôi có quyền bán vốn, IPO để chuyển thành ngân hàng cổ phần hoặc có thể bán đi hoàn toàn", ông Thái cho biết.
Để xử lý khoản lỗ lũy kế, CEO MB cho biết biện pháp quan trọng nhất là sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước.
"Theo dự trù của chúng tôi, một nửa phần lỗ lũy kế sẽ được hỗ trợ bởi Ngân hàng Nhà nước và nửa còn lại do MB đảm trách. Theo đó, khoảng 7-8 năm sẽ giải quyết dứt điểm lỗ lũy kế này", ông Thái nói.
Đồng thời, Hội đồng quản trị MB cũng trình cổ đông thông qua việc miễn trách nhiệm với các đơn vị, cá nhân tham gia nhiệm vụ liên quan đến nhận chuyển giao bắt buộc và xây dựng, triển khai phương án thực hiện.
Trong trường hợp rủi ro, việc tái cấu trúc không thành công, CEO MB cho biết ngân hàng này có thể bán phần vốn tại nhà băng nhận chuyển giao như việc thoái một khoản đầu tư.