PMI được ghi nhận trong tháng này đạt 51,9 điểm, giảm so với mức 53,8 điểm trong tháng 12/2018, tức mức thấp nhất kể từ kể từ tháng 9/2018. Dù vậy, tăng trưởng tính đến nay đã được ghi nhận trong 38 tháng liên tiếp.
Phù hợp với chỉ số chính, cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng nhẹ hơn trong tháng 1. Tuy nhiên, sức tăng trưởng vẫn mạnh khi báo cáo cho thấy nhu cầu khách hàng cải thiện. Sản lượng đến nay đã tăng trong suốt 14 tháng qua.
Cùng với mức tăng của tổng số lượng đơn đặt hàng mới, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ yếu hơn so với tháng 12.
Áp lực lạm phát tiếp tục mờ nhạt trong tháng 1. Giá cả đầu vào đã tăng sau khi giảm lần đầu trong gần ba năm trong tháng 12, nhưng tốc độ tăng chỉ là nhẹ và kém hơn hẳn mức trung bình của lịch sử chỉ số.
Giá bán hàng đã giảm suốt 4 trong 5 tháng qua. Các nhà sản xuất tiếp tục tuyển thêm nhân viên trước tình trạng tăng số lượng đơn đặt hàng mới, từ đó kéo dài thời kỳ tăng việc làm hiện nay thành 34 tháng.
Bên cạnh đó, lượng công việc tồn đọng đã giảm lần đầu tiên trong 3 tháng. Hàng tồn kho tiếp tục tăng trong tháng 1 gồm tồn kho hàng hóa trước và sau sản xuất đều tăng.
Nikkei cũng đánh giá các điều kiện hoạt động trong lĩnh vực sản xuất được cải thiện khi các công ty đã tiếp tục thu hút được khách hàng. Những doanh nghiệp này khi khảo sát cũng cho thấy mức độ lạc quan cao trong đầu tư kinh doanh với tỷ lệ trả lời lên hơn 50%.
Bình luận chỉ số này, ông Andrew Harker, Phó Giám đốc của IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát cho rằng dù vẫn báo hiệu tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất, nhưng dữ liệu PMI mới nhất cho thấy nền kinh tế không thể hoàn toàn miễn nhiễm khỏi sự yếu kém ở những nơi khác trong khu vực và những vấn đề của thương mại toàn cầu.
"Do đó, trong khi những vẫn đề này vẫn còn tiếp diễn, lĩnh vực sản xuất có thể vẫn ở giai đoạn tăng trưởng nhẹ hơn", ông nói.