Ngày pháp luật

Những tranh chấp ở các chung cư Hà Nội được quảng cáo 'cao cấp'

Nguyễn Hà/ Vnexpress

Một loạt dự án được quảng cáo "cao cấp" nhưng đi kèm đó là những cuộc tranh chấp dai dẳng nhiều tháng, thậm chí cả năm trời.

Tại dự án căn hộ cao cấp Artemis số 3 Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội), cuộc tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư nảy sinh từ khi bàn giao năm ngoái đến nay. Từ khi đó, các vấn đề trong về vận hành, phân định diện tích chung - riêng, phí dịch vụ, cách đánh số tầng, bầu ban đại diện... đã gây ra nhiều tranh cãi giữa cư dân và chủ đầu tư. Đỉnh điểm là gần đây, cư dân căng băng rôn, chặn hầm xe... gây áp lực với chủ đầu tư. Về phần mình, chủ đầu tư cắt nước, cắt dịch vụ một số hộ dân bị cho rằng đã cố ý gây khó dễ với chủ đầu tư. Cuộc tranh chấp này đến nay chưa dừng lại. 

Tương tự, từ tháng 9, một số khách hàng mua căn hộ tại dự án D’Capitale (Trần Duy Hưng) do Tập đoàn Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư đòi trả lại nhà sau khi trực tiếp xem căn hộ thực tế trước thời điểm bàn giao. Hành lang của dự án chỉ rộng 1,47 m, thay vì 2,4 m như đường dẫn hành lang mà khách hàng được xem với căn hộ mẫu. Không chỉ đặt vấn đề về tính thẩm mỹ, các khách hàng còn cho rằng điều này có thể gây mất an toàn khi xảy ra hoả hoạn, cháy nổ.

Còn về phần mình, chủ đầu tư lý giải, chiều rộng được duyệt là 1,5 m (thiết kế chưa bao gồm lớp trát), và thực tế chiều rộng là 1,47m vì có 2 lớp trát tường mỗi bên 1,5 cm. Chỉ số này theo ông vẫn đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia đối với hành lang dưới 40 m.

Đây là dự án được mua với giá trung bình khoảng 60 triệu đồng mỗi m2 và mỗi căn hộ có giá từ 3 tỷ đồng trở lên. Đại diện nhóm khách hàng cho rằng chủ đầu tư phải giảm giá bán căn hộ cho tương xứng với chất lượng thực tế bàn giao. 

Tuy nhiên, suốt 2 tháng nay, dù tổ chức nhiều buổi làm việc, cư dân và chủ đầu tư vẫn chưa tìm được phương án để giải quyết triệt để những vấn đề trên.

Những tranh chấp ở các chung cư Hà Nội được quảng cáo 'cao cấp' - Ảnh 1

Cư dân toà chung cư cao cấp Artemis căng băng rôn vài ngày trước để phản đối chủ đầu tư. Ảnh: báo Tiền phong

Không chỉ những dự án căn hộ cao cấp mới bàn giao, các dự án đã đi vào vận hành nhiều năm nay lại nảy sinh những vấn đề tranh chấp trong quá trình vận hành. Cư dân và chủ đầu tư dự án Khu trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở cao cấp Hapulico (Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân) cũng xảy ra cuộc chiến kéo dài về vấn đề bầu ban quản trị. 6 trong số 18 thành viên trong ban quản trị là nhân viên của chủ đầu tư nên bị cư dân không thừa nhận vì cho rằng việc bầu không đúng quy định, hoạt động thiếu trách nhiệm, thành viên ban quản trị là người của chủ đầu tư, không đứng về phía lợi ích của cư dân. Hiện cư dân và chủ đầu tư vẫn tranh cãi về câu chuyện này và liên tục gửi đơn lên Bộ Xây dựng cũng như Bộ Tư pháp để tố nhau. 

Tại dự án cao cấp Starcity Lê Văn Lương thì cư dân lại đang khốn đốn vì vấn đề đòi quỹ bảo trì dù dự án đã được bàn giao 5 năm nay. Ocean Group - đơn vị hợp tác với chủ đầu tư triển khai dự án đã thu 2% quỹ bảo trì từ người mua nhà, tương đương 18 tỷ đồng từ khi bán các căn hộ. Tuy nhiên, khi dự án được bàn giao vào năm 2014, số tiền này vẫn bị chiếm dụng dù cư dân nhiều lần gây áp lực để đòi. Sau nhiều lần được cơ quan quản lý yêu cầu thì tập đoàn này mới bàn giao 2,5 tỷ đồng quỹ bảo trì. 16 tỷ đồng còn lại, doanh nghiệp vẫn chưa bàn giao cho cư dân. Trong khi đó thang máy của tòa nhà đã xuống cấp nhưng cư dân không có kinh phí để bảo dưỡng, dẫn tới một số sự cố xảy ra gần đây.

Ở dự án căn hộ cao cấp khác như Hồ Gươm Plaza, từ khi bàn giao vào cuối năm 2014 đến nay, cư dân quay cuồng trong cuộc chiến pháp lý với chủ đầu tư về các vấn đề diện tích chung - riêng, quỹ bảo trì, cơi nới sai phép. Những tấm băng rôn, đơn thư ... trở thành chuyện thường ngày khiến nơi đây trở thành một trong những dự án giữ kỷ lục về tình trạng đấu tố dai dẳng nhất. 

"Ngôi nhà có giá hàng tỷ đồng nhưng bao năm nay vẫn chưa thực sự là chốn an cư của hàng trăm hộ dân. Chúng tôi cũng thấy mệt mỏi khi luôn phải căng thẳng với chủ đầu tư, nhưng họ không thực hiện đúng những gì đã quảng cáo khi bán hàng nên phải đòi quyền lợi", một cư dân sinh sống tại đây thở dài.  

Cách đây vài ngày, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) có văn bản nêu thực trạng loạn danh xưng chung cư cao cấp trên thị trường nhà ở hiện nay. Giới buôn căn hộ tùy tiện sử dụng các thuật ngữ "cao cấp", "hạng sang"... như một thủ thuật câu khách, quảng bá sản phẩm. Đơn vị này nhận định, rất ít dự án bất động sản đạt chuẩn cao cấp, đảm bảo chất lượng và đẳng cấp về quy hoạch, thiết kế, các tiện ích và dịch vụ. Nhiều công trình chung cư cao tầng được chủ đầu tư tự phong dự án cao cấp nhưng chưa hề được Sở Xây dựng hoặc đơn vị đánh giá độc lập công nhận.

Theo HoREA, hiện các quy định của Bộ Xây dựng chỉ phân hạng chung cư sau khi đã xây xong hoặc đã bán căn hộ cho khách hàng. Trong khi đó, người mua nhà có nhu cầu được biết hạng chung cư hình thành trong tương lai, nhất là đối với chung cư cao cấp, hạng sang và siêu sang mà chủ đầu tư quảng cáo khi bán hàng. 

Hiệp hội kiến nghị Bộ Xây dựng bổ sung các hướng dẫn quy định tiêu chí của chung cư cao cấp, hạng sang và siêu sang cho căn hộ đã xây dựng hoặc hình thành trong tương lai. Cùng với đó HoREA đề xuất bổ sung quy định các chủ đầu tư dự án nhà chung cư hình thành trong tương lai chỉ được quảng cáo, tiếp thị, huy động vốn với danh xưng dự án chung cư cao cấp, hạng sang và cư siêu sang sau khi đã được Sở Xây dựng tỉnh, thành phố công nhận đạt tiêu chí này.

Tin Cùng Chuyên Mục