Theo Wall Street Journal, sau đại dịch Covid-19, dịch vụ mua trước - trả sau (buy now – pay later) đang được đón nhận mạnh mẽ tại Đông Nam Á. Trong đó, những doanh nghiệp như Grab, Sea và GoTo đều đang cung cấp cho khách hàng các tính năng cho vay ngắn hạn để thanh toán nhiều loại sản phẩm, dịch vụ khác nhau như gọi xe taxi, giao đồ ăn hay sản phẩm làm đẹp.
Mua trước - trả sau sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh của Grab, Sea và GoTo
Gần đây nhất, vào tháng 7, GoTo đã cho ra mắt tính năng trả sau có tên gọi là GoPayLater Cicil (có nghĩa là “thanh toán trả góp” trong tiếng Indonesia).
Bên cạnh đó, giá cổ phiếu của cả 3 doanh nghiệp Grab, Sea và GoTo này đều đang giảm mạnh trong năm nay. Cổ phiếu của Grab và Sea đều giảm gần 2/3 so với thời điểm đầu năm. Trong khi GoTo - công ty mới niêm yết hồi tháng 4 - cũng có mức giá cổ phiếu giảm 28% so với giá IPO.
Theo Wall Street Journal, ba công ty này kỳ vọng, việc bổ sung các tính năng mua trước – trả sau sẽ kích thích nhiều hoạt động kinh doanh khác trên nền tảng, bên cạnh việc thu thêm lợi nhuận từ mảng cho vay đơn thuần.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi này đặt ra cho các công ty công nghệ một câu hỏi khiến ngay cả "ngân hàng" truyền thống cũng phải đau đầu. Đó là làm sao để xác định khả năng trả nợ của các khoản vay?
Các ngân hàng thường dùng nhiều yếu tố như điểm tín dụng, thu nhập của người vay, lịch sử thanh toán để giảm thiểu khả năng phát sinh nợ xấu. Grab, Sea và GoTo, vốn thường cung cấp các khoản vay tín chấp ngắn hạn và nhỏ, cho đến nay đang bỏ qua các khâu kiểm tra tín dụng truyền thống như vậy.
“Vì thiếu thông tin tài chính, các nhà cung cấp dịch vụ mua trước – trả sau phải đưa ra quyết định dựa trên các dữ liệu ít ỏi và thậm chí thiếu tính tin cậy”, Yvonne Szeto, phó chủ tịch phụ trách chiến lược thương mại và bán hàng của công ty xử lý thanh toán Worldpay, chia sẻ.
Các công ty trên cho biết, họ quản trị rủi ro bằng cách xây dựng mô hình độc quyền để xử lý đề nghị vay vốn. Những mô hình này dựa vào hành vi người dùng và các dữ liệu khác như hoạt động mua sắm trong quá khứ đã hoàn tất trên nền tảng.
Quy định cứng rắn sẽ tác động tích cực đến "sức khỏe" tài chính người dùng
Hans Patuwo, người đứng đầu bộ phận thanh toán và dịch vụ tài chính của GoTo Financial cho biết: “Sẽ không có bất cứ doanh nghiệp nào chấp nhận thanh khoản mua trước - trả sau nếu không nắm được dữ liệu người dùng. Chúng tôi đã sở hữu dữ liệu người dùng ngay từ ngày đầu tiên".
Trong một số trường hợp, các công ty sẽ áp dụng biện pháp cứng rắn hơn cả yêu cầu thanh toán thẻ tín dụng truyền thống.
Grab cho biết sẽ đóng tài khoản người dùng nếu không thanh toán hoá đơn quá hạn sau khi được thông báo. Cùng với đó, doanh nghiệp này cũng yêu cầu người dùng nộp một khoản phí quản trị nếu muốn kích hoạt lại tài khoản sau đó. Chính vì thắt chặt quy định nên tỷ lệ nợ xấu của Grab duy trì ở mức ổn định trong quý II/2022 - Anthony Tan, CEO Grab tiết lộ trong một buổi tiếp xúc với giới đầu tư mới đây. Dù khẳng định đó là con số nhỏ nhưng ông từ chối đưa ra số liệu chi tiết.
Ở phía khách hàng, không ít người bày tỏ quan điểm, quy định cứng rắn sẽ mang lại tác động tích cực cho "sức khỏe" tài chính người dùng.
Napitupulu, một công dân Jakarta - thường xuyên dùng các dịch vụ như GoPayLater để thanh toán hóa đơn giao đồ ăn hoặc mua sắm trực tuyến. Bên cạnh đó, anh có thể vay tối đa khoảng 65 USD/tháng. Mức hạn mức tín dụng này đã tăng cao hơn so với 3 năm trước - thời điểm anh bắt đầu dùng dịch vụ của GoTo. Tuy nhiên, hãng công nghệ này không cho phép người dùng thanh toán bằng GoPayLater khi vượt quá hạn mức này. Điều này sẽ giúp Napitupulu thoát khỏi "bẫy mua sắm" quá đà. Hiện, Napitupulu thường sử dụng thẻ tín dụng cho các khoản chi tiêu lớn.
Các công ty mạng viễn thông cho rằng, việc đặt ra hạn mức cho dịch vụ mua trước - trả sau là một trong những biện pháp quản trị rủi ro.
Grab đã triển khai dịch vụ PayLater từ năm 2019 và chỉ cung cấp nó cho người dùng ứng dụng này trong ít nhất 6 tháng. Đơn vị này cũng sẽ đánh giá người dùng dựa trên xếp hạng chương trình khách hàng thân thiết cùng thói quen gọi xe.
Trong khi đó, dịch vụ trả sau của GoTo nhiều khả năng sẽ khả dụng với người đã từng dùng ví điện tử GoPay của hãng. Dư nợ cho vay của Grab trong quý II/2022 cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái do lượng người dùng PayLater tăng.
Dự nợ của Grab cũng bao gồm các khoản vay được giải ngân cho đối tác tài xế và đối tác bán hàng đang dùng nền tảng của hãng này. Ông Peter Oey, giám đốc tài chính Grab, cho biết phần lớn các khoản vay được Grab trực tiếp thực hiện từ nguồn vốn của mình.