Theo thông báo từ Nhựa Bình Minh, ngày 20/5 tới đây doanh nghiệp sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức còn lại của năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 61% (tức 1 cổ phiếu nhận 6.100 đồng). Ngày dự kiến chi trả là 10/6. Với hơn 81,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành với số tiền dự kiến chi trả hơn 499 tỷ đồng.
Trước đó, Nhựa Bình Minh đã tạm ứng cổ tức năm 2023 đợt 1 tỷ lệ 65% vào cuối năm ngoái. Tổng tỷ lệ chi trả lên tới 126% (1 cổ phiếu nhận 12.600 đồng).
Nhựa Bình Minh được thành lập năm 1977 với tên gọi Nhà máy Công tư Hợp Danh Nhựa Bình Minh. Năm 2006, BMP được niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE. Đây là doanh nghiệp hoạt động sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nhựa, sản phẩm chủ chốt là nhựa vật liệu xây dựng (ống nhựa PVC, ống nhựa PPR ống nhựa HDPE)…
Hiện Nhựa Bình Minh có 4 nhà máy ở TP HCM, Bình Dương, Long An, Hưng Yên với tổng năng lực sản xuất đạt 150.000 tấn/năm và hơn 2.158 nhà phân phối/cửa hàng trên cả nước.
Theo thống kê của Agriseco, BMP chiếm lĩnh khoảng 50% thị phần ống nhựa tại khu vực phía Nam và chiếm khoảng 25% thị phần ống nhựa trong cả nước.
Về tình hình kinh doanh, quý I/2024, doanh thu thuần của Nhựa Bình Minh đạt 1.002 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp phần lớn là doanh thu bán thành phẩm (955 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế gần 190 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của doanh nghiệp trong 6 quý, kể từ quý III/2022.
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Nhựa Bình Minh ở mức 3.502 tỷ đồng, tăng 247 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó tiền gửi có kỳ hạn đạt 1.260 tỷ đồng.
Năm 2024, Nhựa Bình Minh lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu 5.540 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế dự kiến 1.030 tỷ đồng, gần như đi ngang so với năm ngoái. Công ty dự kiến sẽ dành tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế năm 2024 để chia cổ tức.
Nhựa Bình Minh có “truyền thống” chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ rất cao, điển hình như năm 2022 mức trả cổ tức lên đến 84%.