Ngày pháp luật

Nhiều doanh nghiệp “sống khỏe” nhờ không dùng đòn bẩy tài chính

Vũ An

Đòn bẩy tài chính là một công cụ quan trọng để tăng nguồn lực phát triển cho nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, đòn bẩy tài chính lại là con dao hai lưỡi khiến nhiều doanh nghiệp “đứt tay” trong thời điểm lãi suất cho vay cao như hiện tại.

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, lãi suất tăng cao, nguồn lực dùng cho việc trả nợ đã chiếm phần lớn doanh thu của nhiều doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính. Ngược lại, những công ty nói không với nợ ngân hàng từ trước đó lại đang có lợi thế phát triển trong giai đoạn hiện tại.

Đơn cử như CTCP Đại lý vận tải Safi (SFI), kết thúc năm 2022 với lãi ròng 216 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ 4 tăng trưởng mạnh với tốc độ trung bình lên đến 73%/năm.

Việc SFI không hề vay nợ ngân hàng trong vòng nhiều năm trở lai đây đã trở thành điểm mạnh của công ty này. Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của SFI vào mức 996 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu công ty đã đóng góp 80% với 776 tỷ đồng.

Lên sàn vào năm 2006, SFI tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước, là thành viên của Đại lý Hàng hải Việt Nam (VOSA) thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Tính đến hiện tại, SFI đã trải qua gần 15 năm trong ngành hàng hải và dịch vụ vận tải đa phương thức.

Trải qua thời điểm dịch bệnh COVID-19, cổ phiếu SFI đã tăng trưởng mạnh mẽ từ vùng 10.000 đồng/cổ phiếu (năm 2020) lên tới 50.000 đồng/cổ phiếu vào giai đoạn đỉnh điểm. SFI cũng lọt Top các doanh nghiệp có mức EPS cao nhất trên sàn chứng khoán với giá trị vào khoảng 13.000 đồng. Hiện, SFI đang giao dịch tại vùng 35.500 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra, việc tăng trưởng liên tục trong giai đoạn 2019-2022 phải kể đến CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (SCS). Được thành lập vào năm 2008 với vốn điều lệ ban đầu 300 tỷ đồng, sự ra đời của SCS nhằm đầu tư xây dựng và phát triển Nhà ga hàng hóa Hàng không theo tiêu chuẩn quốc tế tại Sân bay Tân Sơn Nhất.

Được sự tư vấn của các chuyên gia nước ngoài gồm Công ty tư vấn Luisthansa (LCG -Đức), Công ty tư vấn Sân bay Nhật Bản (JAC), nhà ga hàng hóa của SCS có tổng mức đầu tư lên đến 1.065 tỷ đồng (tương ứng khoảng 51 triệu USD), có diện tích rộng 143.000 m2, tiếp giáp bến đậu số 1, 2, 3 của sân đậu máy bay Tân Sơn Nhất.

SCS có "hậu phương" khá mạnh với 35,12% vốn thuộc Gemadept, 14,3% vốn thuộc sở hữu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) và gần 10% được sở hữu bởi quỹ ngoại. Hiện tổng tài sản SCS vào mức 1.556 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đóng góp đến 1.434 tỷ đồng và Công ty không có vay nợ ngân hàng.

Cũng hoạt động trong mảng này, CTCP dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NCTS) ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về chỉ số lợi nhuận hàng năm và cũng không có dư nợ vay ngân hàng. Kết thúc năm 2022, NCT đạt 736 tỷ doanh thu thuần, và 237 tỷ lãi sau thuế, tăng 6% so với năm 2021. Biên lợi nhuận gộp hiện vào mức 49%.

Còn trong lĩnh vực đầu khí, một công ty không có nợ vay với lợi nhuận tăng trưởng đều đặn mỗi năm với tỷ lệ quân bình 10% cần được nhắc đến đó là CTCP Phân phối Khí Thấp áp Dầu khí Việt Nam (PGD).

Tiền thân thân là Xí nghiệp kinh doanh khí thấp áp Vũng Tàu trực thuộc PV GAS, chuyên kinh doanh sản phẩm khí đốt, PGD được thành lập vào năm 2002 và niêm yết trên sàn HOSE vào năm 2009. Hiện vốn điều lệ của PGD vào mức 900 tỷ đồng, trong đó PV GAS vẫn là cổ đông lớn nhất với 50,5%; kế đến là hai cổ đông Nhật Bản với sở hữu lần lượt 25% của Tokyo Gas Asia Pte Ltd và 21% của Saibu Gas Co.,Ltd.

Tin Cùng Chuyên Mục