Ở chiều tích cực, các chuyên gia từ công ty chứng khoán kỳ vọng thị trường tiếp tục đà tăng, trong khi đó nhiều ý kiến có nhận định thận trọng và cho rằng xu hướng giảm sẽ chiếm ưu thế.
Nhận định ngược chiều
Các nhà phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhận định, thị trường có tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp với mức tăng nhẹ và thanh khoản lập kỷ lục mới khi mà hệ thống giao dịch được cải thiện cho thấy sự quan tâm lớn của nhà đầu tư đối với thị trường trong giai đoạn này.
Trong tuần qua, VN-Index giằng co và rung lắc mạnh quanh ngưỡng 1.250 điểm, nhưng cuối cùng chỉ số này đã thất bại trước ngưỡng 1.250 điểm trong phiên cuối tuần, sau khi đã hai lần kết phiên trên ngưỡng này trong ngày 12/4 và 14/4.
Một điểm đáng lưu ý nữa là độ rộng thị trường, ngoại trừ một số bluechip (những cổ phiếu nhận được sự chú ý đặc biệt của mọi nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán và mang tính dẫn dắt thị trường) trong nhóm bất động sản và thép nâng đỡ chỉ số thì hàng loạt các nhóm ngành khác đều bị chốt lời và giảm trong tuần qua.
Trên góc độ sóng Elliott (công cụ phổ biến và được nhiều nhà đầu tư ứng dụng trong việc phân tích thị trường cũng như cổ phiếu), VN-Index có khả năng đã kết thúc sóng tăng 5 trong tuần qua để chuyển sang sóng điều chỉnh với mục tiêu gần nhất là quanh ngưỡng 1.135 điểm. Vì vậy, trong tuần giao dịch tiếp theo 19/4-23/4, xu hướng giảm có thể chiếm ưu thế.
Theo nguyên tắc sóng Elliott, pha tăng của thị trường gồm có 5 bước sóng được gọi là sóng đẩy; trong đó, sóng 1, 3 và 5 là sóng tăng, sóng 2 và 4 là sóng giảm.
Cùng quan điểm, ông Trần Xuân Bách, phụ trách mảng phân tích thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC cho rằng tuần tới, thị trường sẽ chịu áp lực giảm điểm. VN-Index sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ vùng 1.225-1.232 điểm trong những phiên đầu tuần tới. Diễn biến thị trường giai đoạn này nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu sự chi phối của một vài cổ phiếu vốn hóa lớn, kèm theo đó là sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu trên thị trường.
Trong khi đó, các nhà phân tích từ Công ty có phần Chứng khoán Rồng Việt - VDSC có góc nhìn khá lạc quan khi cho rằng, trong phiên giao dịch cuối tuần qua 16/4, dòng tiền "tham lam" nhảy vào thị trường đã giúp cho chỉ số không giảm sâu. VDSC cho rằng, nhà đầu tư đang thấy giá trị của các cổ phiếu hấp dẫn so với kỳ vọng tương lai.
Với dòng tiền tích cực như hiện nay, cũng như sự kỳ vọng về thị trường chứng khoán tốt hơn, VDSC vẫn khuyến nghị các nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt chọn mua vào các cổ phiếu cơ bản tốt đã điều chỉnh hợp lý để kỳ vọng vào tương lai tích cực hơn.
Cũng có quan điểm khá lạc quan, Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS nhận định, thị trường giảm mạnh trong phiên chiều cuối tuần qua đã khiến dòng tiền tham gia bắt đáy giúp thị trường có nhịp hồi đáng chú ý. Phiên chiều cuối tuần qua không thực sự phản ánh đúng cung cầu thị trường dòng tiền bắt đáy không thể tăng thêm.
Phiên cuối tuần này (16/4) cũng là ngày T+3 (ngày thanh toán của giao dịch cổ phiếu) của phiên 13/4 khi lượng lớn cổ phiếu ở vùng 1.268 điểm về tài khoản và thị trường đã hấp thụ tốt về thanh khoản.
Về kỹ thuật, xu hướng tăng kéo dài hơn 2 tháng qua vẫn tiếp diễn, vùng hỗ trợ mạnh ngắn hạn đối với chỉ số ở vùng 1.220 điểm, MBS nhận định.
Về diễn biến thị trường, theo ông Lê Hoàng Phương - Chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), kết thúc tuần giao dịch (từ 12 - 16/4), chỉ số VN-Index tăng 0,57% lên mức 1.238,71 điểm. Chỉ số VN-Index chỉ tăng điểm tại 2 trên 5 phiên giao dịch trong tuần với 108 mã tăng và 275 mã giảm.
VIC, NVL và HPG là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất cho mức tăng của chỉ số trong tuần qua, đóng góp lần lượt là 16,29 điểm, 4,73 điểm và 4,46 điểm. Trong khi đó, GVR, BID và VNM là 3 mã có tác động tiêu cực nhất lên VN-Index, lấy đi 3,2 điểm, 2,46 điểm và 1,61 điểm.
Giá trị giao dịch trung bình trên HOSE đạt 20.942,97 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng tới 2.464,54 tỷ đồng trong tuần qua trên sàn HOSE. Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index đóng cửa tuần tại 293,11 điểm, 0,23%. Chỉ số tăng điểm tại 3 trên 5 phiên giao dịch trong tuần với 106 mã tăng 196 mã giảm.
BAB, IDC và SHS là 3 mã có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số, lấy đi 1,44 điểm, 0,92 điểm và 0,43 điểm. Ở chiều ngược lại, THD, SHB và KLF là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất cho HNX-Index trong tuần này, đóng góp 3,05 điểm, 1,02 điểm và 0,55 điểm. Giá trị giao dịch trung bình trên sàn HNX đạt 3.413,53 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng 231,47 tỷ đồng trên sàn này.
Về diễn biến các nhóm cổ phiếu, nhóm cổ phiếu tài chính tăng mạnh nhất với 5,2% giá trị vốn hóa. Các mã tăng mạnh mẽ như VIC tăng 14,5%, VHM tăng 2,1%, NVL tăng 20%...
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu với mức tăng 1,2% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu như HPG tăng 10,2%, HSG tăng 4,3%, NKG tăng 3,4%...
Ở chiều ngược lại, các nhóm ngành khác đều giảm như dầu khí giảm 4,8% giá trị vốn hóa, tiện ích cộng đồng giảm 3,3%, công nghiệp giảm 3,2%, công nghệ thông tin giảm 3%, dịch vụ tiêu dùng giảm 2%, dược phẩm và y tế giảm 1,3%, ngân hàng giảm 1,4%, hàng tiêu dùng giảm 0,8%.
Thực tế, diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam không mấy tích cực, dù chỉ số tăng, nhưng sắc đỏ lan rộng ra các nhóm cổ phiếu và khối ngoại bán ròng hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới có một tuần đi lên trước những lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu.
Lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu
Với thị trường chứng khoán Mỹ, tính chung trên cả tuần (từ 12 -16/4), chỉ số S&P tăng 1,4% trong khi Dow Jones tăng 1,2% và Nasdaq tăng 1,1%. Như vậy, chỉ số Dow và S&P 500 ghi nhận tuần tăng thứ tư liên tiếp, còn chỉ số Nasdaq tăng tuần thứ ba liên tiếp.
Hiện giới đầu tư đang lạc quan hơn về triển vọng kinh tế toàn cầu, sau khi kinh tế Trung Quốc báo cáo mức tăng trưởng tới 18,3% trong quý I/2021 so với cùng kỳ năm 2020. Doanh số bán lẻ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng tăng 34,2% vào cùng giai đoạn.
Chuyên gia Vaillancourt cho biết hiện ông "ưa thích" nhóm cổ phiếu theo chu kỳ trong các lĩnh vực như tiêu dùng không thiết yếu, công nghiệp và năng lượng, cũng như những cổ phiếu bên ngoài thị trường Mỹ một phần vì chúng tương đối rẻ.
Ông nói thêm rằng các thị trường mới nổi có xu hướng tăng trưởng cao hơn và sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ sự trỗi dậy theo chu kỳ của nền kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, theo nhà phân tích thị trường Han Tan tại nền tảng giao dịch trực tuyến FXTM, điều quan trọng đối với tâm lý nhà đầu tư là sự phục hồi kinh tế này không có dấu hiệu ngừng lại, bao gồm cả tiến trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu cùng các biện pháp hỗ trợ tài chính và tiền tệ, vốn đã hỗ trợ thị trường chúng khoán và nền kinh tế nói chung.
Tại châu Á, các thị trường chứng khoán cũng lên điểm trong phiên 16/4. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) chốt phiên tăng 0,1% lên 29.683,37 điểm.
Chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,6% lên 28.969,71 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,8% lên 3.426,62 điểm. Chỉ số Kospi của thị trường Seoul (Hàn Quốc) tăng 0,13% lên 3.198,62 điểm./.