5 yếu tố tác động đến thị trường bất động sản hậu Covid-19
Bất động sản là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt, việc giãn cách xã hội đã khiến giao dịch và thanh khoản thị trường bị chậm lại, nhiều phân khúc ảm đạm và trầm lắng. Tuy nhiên, khác với những đợt khủng hoảng trước, kỳ vọng phục hồi thị trường bất động sản vẫn rất lớn.
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Đất Xanh Miền Bắc đã đưa ra những phân tích về 5 yếu tố ảnh hưởng đến thị trường bất động sản hậu Covid-19.
Thứ nhất, yếu tố kinh tế vĩ mô. Năm 2020, nền kinh tế bị ảnh hưởng mạnh bởi Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn là một trong 3 nền kinh tế có tăng trưởng trong đại dịch. Bên cạnh đó, những năm qua, lãi suất phù hợp, cân đối và ổn định với tốc độ phát triển của nền kinh tế. Nhờ đó, nền kinh tế vận hành tốt và bất động sản cũng phát triển ổn định.
“Chúng ta có thể tin rằng, thị trường bất động sản trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển ổn định dựa trên những tín hiệu phục hồi của nền kinh tế”, ông Quyết nói.
Thứ hai, làn sóng đầu tư FDI. Có thể thấy việc thu hút nguồn vốn đầu tư FDI đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành bất động sản, đặc biệt là bất động sản công nghiệp. Các nhà phát triển bất động sản nhiều năm trở lại đây đã bắt đầu để ý đến phát triển mô hình này. Giá bất động sản ở các thành phố công nghiệp cũng tăng nhanh trong thời gian qua.
Theo ông Quyết: “Hậu Covid-19, phân khúc bất động sản nhà ở giá rẻ, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người lao động tại các thành phố công nghiệp sẽ rất phát triển”.
Thứ ba, sự phục hồi và tăng trưởng của ngành du lịch. Khi ngành du lịch mở cửa trở lại và phục hồi thì bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục được gọi tên là phân khúc có tăng trưởng mạnh mẽ. Bất động sản nghỉ dưỡng luôn luôn tiềm năng và là phân khúc phát triển trong dài hạn.
Thứ tư, vấn đề đô thị hóa và tăng trưởng dân số. Với tỷ lệ đô thị hóa thấp và dân số trẻ thì dư địa cho phát triển các phân khúc bất động sản của Việt Nam còn rất lớn. Đặc biệt là phân khúc nhà ở tầm trung khi nhu cầu ở thực trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng mạnh.
“Yếu tố đô thị hóa và tăng trưởng dân số ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn cầu và nguồn cung của thị trường bất động sản. Khi nhu cầu tăng, giá bất động sản sẽ tăng và các doanh nghiệp sẽ phát triển thêm nguồn cung”, ông Quyết nhận định.
Thứ năm, yếu tố chính sách. Vì thị trường bất động sản có tác động quan trọng tới nền kinh tế nên trong nhiều năm qua, Chính phủ rất khắt khe đối với phát triển bất động sản, các chính sách được đưa ra khá thắt chặt đối với các chủ đầu tư. Điều này một mặt giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh hơn, hạn chế tình trạng bong bóng, đồng thời giảm thiểu tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai,…
Thị trường có thể “ngoi” lên từ giữa năm 2022
Triển vọng của thị trường bất động sản đang rất tốt và đáng lạc quan. Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Khi kiểm soát được dịch bệnh là các nhà đầu tư sẽ chưa ào ào đổ vào thị trường ngay, tạo sốt nóng mà tất yếu sẽ có sự nghe ngóng, theo đó, thị trường sẽ phục hồi một cách chắc chắn hơn. Đặc biệt, dưới điều kiện nếu chúng ta kiểm soát được dịch bệnh vào cuối năm 2021 thì thị trường bất động sản có thể bắt đầu “ngoi” lên từ giữa năm 2022”.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, các nhà đầu tư cũng cần chuẩn bị cho mình một tầm nhìn về khả năng phục hồi của thị trường để có thể đưa ra những quyết định đầu tư phù hợp.
Ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, các nhà đầu tư thời gian qua đều gặp khó khăn. Nhà đầu tư sơ cấp là những người mua bất động sản để sử dụng hoặc mua để cho thuê.
Những người mua bất động sản thương mại, công nghiệp, bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn đang rất khó khăn để trang trải các khoản nợ nếu họ sử dụng đòn bẩy tài chính, vay tiền ngân hàng.
“Tôi cho rằng, hậu Covid-19, thị trường bất động sản sẽ phục hồi trở lại và trên thị trường sẽ xuất hiện nhiều sản phẩm, mô hình mới đáp ứng được nhu cầu của người dân và đảm bảo một tương lai bền vững với khả năng thích ứng cao. Đó phải là những khu đô thị đầy đủ, tiện ích đồng bộ, môi trường sống xanh và an toàn”, ông Hiếu cho hay.