Ngày pháp luật

Nhà xuất bản Giáo dục đang làm ăn ra sao?

Nguyễn Việt/Enternews

Năm 2018, NXB Giáo dục đặt kết quả kinh doanh có phần khiêm tốn với sản lượng sản xuất dự kiến chỉ là 104 triệu bản sách giáo khoa với doanh thu 1.173 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 90,5 tỷ đồng.

Nhà xuất bản Giáo dục đang làm ăn ra sao? - Ảnh 1

Trong báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của NXB Giáo dục cho thấy, sản lượng sản xuất sách giáo khoa đã tăng mạnh trong các năm gần đây

Năm 2018, NXB Giáo dục đặt kết quả kinh doanh có phần khiêm tốn với sản lượng sản xuất dự kiến chỉ là 104 triệu bản sách giáo khoa với doanh thu 1.173 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 90,5 tỷ đồng. Nguyên nhân sự thay đổi này đến từ chủ trương giảm lượng sách tồn kho cuối năm, cộng thêm việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa công bố thông tin chính thức về chủ trương thay mới sách giáo khoa nên các công ty phát hành có tâm lý e dè trong việc đặt hàng.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Đơn vị này ước tính chiếm khoảng 80% thị phần phát hành sách cả nước cách đây hai năm, nhưng con số này liên tiếp giảm và phải “cố gắng giữ vị thế dẫn đầu với 60-70% thị phần”. 

Tuy nhiên, trong báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của NXB Giáo dục cho thấy, sản lượng sản xuất sách giáo khoa đã tăng mạnh trong các năm gần đây. Nếu như năm 2015, lượng sản xuất chỉ có hơn 101 triệu bản thì đến năm 2016 đã tăng lên 108,83 triệu bản và năm 2017 là 107,8 triệu bản.

Tổng doanh thu qua đó tăng từ 1.041 tỷ năm 2015 lên 1.203 tỷ đồng. Đáng chú ý là trong khi doanh thu chỉ tăng nhẹ lợi nhuận của NXB Giáo dục lại tăng vọt: từ 32 tỷ năm 2015 lên 72,1 tỷ năm 2016 và 150,8 tỷ đồng năm 2017.

Nhà xuất bản Giáo dục đang làm ăn ra sao? - Ảnh 2

Tuy vậy, nguyên nhân giúp lợi nhuận 2017 tăng vọt không phải đến từ hoạt động kinh doanh mà chủ yếu là do giảm chi phí lãi vay cũng như được hoàn nhập 27 tỷ đồng dự phòng đầu tư tài chính dẫn đến chi phí tài chính năm 2017 là -3,6 tỷ trong khi chi phí tài chính năm 2016 là 51,6 tỷ đồng.

Dù biên lợi nhuận khá sáng sủa, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam gần đây lại đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tăng giá bộ sách hiện hành để đảm bảo doanh thu bù đắp chi phí và tạo sức cạnh tranh, thu hút người tiêu dùng. Đây được xem là một trong những giải pháp để nhà xuất bản này hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 4% mỗi năm và cán mốc doanh thu 1.500 tỷ đồng vào năm 2022.

Đơn vị này đang chủ trì và tổ chức biên soạn 495 đầu sách giáo khoa mới từ lớp 1 đến 12 cho giai đoạn từ nay đến 2020 với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng một bộ. Đồng thời, tập trung phát triển đề án xuất bản điện tử và sản xuất thiết bị trường học để tăng sức cạnh tranh.

Tin Cùng Chuyên Mục