Cục cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an mới đây đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội, đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu về việc đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống. Đồng thời, văn bản cũng yêu cầu đơn vị này cung cấp hồ sơ tài liệu về việc quy hoạch, điều chỉnh Quy hoạch cấp nước trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2013 đến nay.
Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống do Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống đầu tư và vận hành. Có tổng diện tích 65 ha với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, với công suất 300.000 m3/ngày đêm, đang cung cấp nước cho các khu vực quận Long Biên, huyện Gia Lâm, một phần Đông Anh, Hai Bà Trưng, và Hoàng Mai, đô thị vệ tinh Phú Xuyên và nông thôn liền kề.
Năm ngoái, khi dự án đi vào hoạt động, Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống bắt đầu phát sinh doanh thu thuần 228 tỷ đồng, đồng thời báo lãi gộp gần 66 tỷ đồng, tương ứng với biên lãi gộp gần 29%. Tuy nhiên, khoản lãi gộp dù ở mức cao cũng không đủ bù đắp các chi phí trong năm đầu tiên vận hành. Theo đó, doanh nghiệp này báo lỗ hơn 193 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với các năm trước đó.
Mặc dù kết quả dự án ngay trong năm đầu tiên có thể chưa phản ánh hết khả năng sinh lời, nhưng có một thực tế là dự án nước mặt khác của Aqua One - tập đoàn liên quan đến bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) dù đi vào vận hành được nhiều năm vẫn không cho kết quả khả quan hơn.
Được vận hành giai đoạn 1 trước dự án Nhà máy nước Sông Đuống khoảng 2 năm (tháng 12/2017), dự án nước mặt sông Hậu của Tập đoàn Aqua One cũng chưa có lãi. Mà các khoản lỗ còn có xu hướng gia tăng trong các năm gần đây. Như năm 2019, Công ty cổ phần Nước AquaOne Hậu Giang chỉ ghi nhận 4,7 tỷ đồng doanh thu, báo lỗ thuần 321,3 tỷ đồng, cao gấp 3,8 lần so với năm trước.
Khoản lỗ lớn cũng "ăn mòn" vốn chủ sở hữu của AquaOne Hậu Giang từ mức 422 tỷ đồng vào cuối năm 2018, xuống chỉ còn 22,3 tỷ đồng vào cuối năm ngoái.
Một trong những nguyên nhân chính khiến các dự án này báo lỗ nặng là gánh nặng tài chính quá lớn. Kể từ khi dự án khởi công vào năm 2017 đến cuối năm 2019, dư nợ vay dài hạn của Nhà máy nước Sông Đuống liên tục tăng nhanh, gấp nhiều lần quy mô vốn chủ sở hữu.
Năm 2018, khoản vay nợ dài hạn của dự án này lên tới 2.483 tỷ đồng. Sau khi nhà máy đi vào vận hành giai đoạn 1, tính đến cuối năm 2019, khối nợ của công ty tiếp tục tăng thêm 1.000 tỷ đồng, lên trên 3.500 tỷ đồng. Trong khi đó, quy mô vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đến cuối năm ngoái mới chỉ đạt mức 813,2 tỷ đồng.
Như vậy, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp lên tới 4,3 lần. Hay nói cách khác, dự án Sông Đuống chủ yếu được tài trợ bởi nguồn vốn vay ngân hàng.
Bên cạnh đó, nếu nhìn từ báo cáo tài chính, dường như các cổ đông của Nước mặt Sông Đuống cũng phải mất thời gian dài mới đóng đủ vốn. Công ty này đăng ký thành lập từ ngày 8/6/2016, với quy mô vốn điều lệ ban đầu xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Nhưng đến cuối năm 2016, báo cáo tài chính mới ghi nhận số vốn góp của chủ sở hữu gần 670 tỷ đồng. Phải tới cuối năm 2018, các cổ đông của dự án Sông Đuống mới góp đủ vốn điều lệ.
Cuối năm 2019, dư luận từng phát hiện ra giá nước thu mua từ Công ty Nước mặt Sông Đuống được tạm tính 10.246 đồng/m3, cao hơn giá nước bán lẻ, đặt nghi vấn về khả năng thành phố đang phải trợ giá khi sử dụng nước mua từ công ty này.
Ở thời điểm đó, Ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội - giải thích do nhà máy nước có mức đầu tư lớn, hi phí tài chính đội do sử dụng đòn bẩy nợ vay cao trong quá trình xây dựng. Cụ thể, chủ đầu tư dự án nước Sông Đuống là Công ty cổ phần Nước AquaOne vay tới gần 4.000 tỷ đồng để đầu tư nhà máy, tương đương 80% tổng mức đầu tư. Vốn vay cao khiến cho chi phí lãi vay chiếm khoảng 20% giá thành nước Sông Đuống, tức khoảng 2.100 đồng/m3; chi phí khấu hao khoảng 2.100 đồng/m3.
Tháng 11/2019, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong cuộc họp giao ban trả lời báo chí đã tuyên bố không bao giờ bù giá cho nước mặt sống Đuống, cũng như không có lợi ích nhóm trong dự án này. Sau vụ lùm xùm, bà Liên rời khỏi vị trí điều hành tại công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống.