Gọi vốn 10 tỷ cho dự án bảo tồn nước mắm
Xuất hiện trong tập 2 của "Shark Tank Việt Nam - Thương vụ Bạc tỷ", Thùy Trang - CEO dự án Làng xưa đưa ra lời đề nghị đầu tư 10 tỷ đồng cho 5% cổ phần công ty.
Đây là dự án khôi phục văn hoá bản sắc địa phương, với các hạng muc chính:
- Nhà hát trình diễn vở Fishermen show - show diễn "Huyền thoại làng chài"
- Bảo tàng nước mắm
- Dự án còn có hai là nhà hàng Mũi Né Xưa và Mũi Né Deli, phục vụ khách đoàn và khách lẻ.
3 hạng mục trên đem lại 60% doanh thu. 40% còn lại từ "Sản phẩm nước mắm Tĩn - Thương hiệu 300 năm của Phan Thiết - Mũi Né".
Dự án sản xuất nước mắm trực tiếp bằng dây chuyền công nghệ và đã xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu và Australia.
Thành lập từ năm 2017, đến nay các cụm dự án này đều đã hoàn thiện.
Theo nữ CEO, doanh thu lần lượt của năm 2017 là 15 tỷ, 2018 là 25 tỷ, 2019 dự kiến ở mức 40 tỷ đồng. Năm 2018, dự án đạt lãi ròng là 10%, dự kiến 2019 con số sẽ tăng 15%.
Đặc biệt mô hình này có tài sản cố định là diện tích đất thuộc sở hữu của founder, rộng 1,6ha, trong đó giá trị tại thời điểm mua là hơn 30 tỷ đồng.
Với 10 tỷ đồng, Thuỳ Trang cho biết sẽ sử dụng toàn bộ để đầu tư vào PR, quảng cáo. Cô tự tin vào chất lượng sản phẩm do đã tập trung phát triển trong vòng 2 năm qua.
Thương vụ chốt "deal" đầu tiên của Shark Đỗ Liên
Phần trình bày về cơ cấu ban lãnh đạo khiến nhiều khán giả không khỏi băn khoăn:
"Người sáng lập đầu tư 100% vốn. Dự án chỉ có một nhà đầu tư, không có cổ đông. Em có quyền quyết định mọi việc, vì em đi cùng chủ đầu tư từ thời điểm đầu tiên của dự án" - Thuỳ Trang quả quyết.
Cô cũng cho biết chủ đầu tư đã đổ vào dự án này tổng cộng 100 tỷ đồng.
Đây là thông tin gây sự bất ngờ cho các "cá mập", bởi các nhà đầu tư luôn muốn làm việc trực tiếp với cá nhân có cổ phần trong doanh nghiệp.
"Theo sát là một chuyện, điều hành là một chuyện, đai diện pháp luật là một chuyện nhưng quyết định tỷ lệ sở hữu lại là chuyện khác. Hơn nữa chúng tôi thường làm việc với founder thực sự, chứ không phải người được chủ đầu tư ủy quyền tới Shark Tank" - Shark Hưng e ngại và quyết định từ chối đầu tư.
Về phía Shark Dũng, dù thấy đây là một dự án có giá trị, nhưng anh vẫn từ chối đầu tư vì không phải sở trường. Cũng với lý do này, Shark Thủy quyết định rời khỏi cuộc gọi vốn.
Shark Việt cũng rút lui với lí do Thùy Trang thuyết trình lắp bắp nên ông cảm thấy không yên tâm.
Đến lúc này, Thùy Trang khiến chương trình chùng xuống khi tiết lộ hai lý do khiến cô muốn phát triển dự án tới cùng. Thứ nhất, để đem tới cho mọi người Việt sản phẩm nước mắm ngon nhất. Thứ hai, dành tặng làm món quà tinh thần cho một người thân đang mắc bệnh hiểm nghèo.
Cả ba "cá mập" đã từ chối, chỉ duy nhất Shark Đỗ Liên muốn đồng hành cùng startup. "Cá mập bà ngoại" của Shark Tank thừa nhận rất thích ý tưởng giữ gìn bản sắc dân tộc, phát triển thương hiệu "quốc hồn quốc tuý" là nước mắm. Shark Liên đề nghị 10 tỷ đồng cho 25% cổ phần, thay vì 5% cổ phần như lúc đầu, trong đó Shark sẽ giúp đem thương hiệu nước mắm Việt Nam lên kệ các siêu thị Châu Âu.
Ảnh: Shark Tank Việt Nam
Sau quá trình thương thuyết, màn gọi vốn khép lại với 10 tỷ đồng cho 15% cổ phần. Shark Liên chia sẻ:
“Tôi muốn bên cạnh kinh doanh nhưng cũng giữ lại giá trị của làng nghề truyền thống. Bạn vẫn toàn quyền quyết định. Tôi chỉ đồng hành và giúp bạn không phải chỉ là thị trường trong nước mà còn đem sản phẩm của bạn hiện diện trong những bữa ăn của người Việt ở nước ngoài”.