Lời khuyên của chuyên gia phố Wall, trong đó có những cái tên đứng đầu như Goldman Sachs và Bank of America, dành cho các nhà đầu tư là “đừng dừng việc mua đồng vào ngay lúc này”.
Kỳ vọng về khả năng loại kim loại này sẽ còn tăng giá trong dài hạn càng trở nên mạnh mẽ bởi những thông tin tích cực như sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch, chi tiêu bùng nổ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cùng hạ tầng xe điện.
Giá đồng hiện đã tăng gấp đôi trong năm vừa qua, lên hơn 10.000 USD/tấn. Bank of America dự đoán, nếu nguồn cung sụt giảm khi nhu cầu tiếp tục tăng cao, giá của kim loại đỏ này có thể sẽ chạm tới ngưỡng 20.000 USD/tấn.
Đà tăng "nóng" của giá đồng đánh dấu cho sự trỗi dậy của một lĩnh vực đầu tư vốn đã suy yếu trong nhiều năm và từ lâu bị coi là kém hấp dẫn. Xu hướng mới quay trở lại thể hiện rõ nhất ở thị trường hợp đồng tương lai, khi lượng đặt cược đầu cơ vào các hợp đồng mua bán đồng ở London và New York đạt mức cao nhất trong lịch sử.
“Một trong những yếu tố thúc đẩy giá hàng hóa đạt mức cao kỷ lục là nhu cầu về tài chính, chứ không hẳn là nhu cầu vật chất,” Evy Hambro, trưởng bộ phận chuyên đề đầu tư tại BlackRock, cho hay. “Chúng ta đang chứng kiến ‘chiến dịch phủ xanh toàn cầu’ một xu hướng đòi hỏi lượng hàng hóa rất lớn và có thể sẽ kéo dài hàng thập kỷ.”
Cuộc chạy đua giành miếng bánh trên thị trường ngày một khốc liệt, với dòng vốn kỷ lục đổ vào các quỹ giao dịch hàng hóa (ETP).
Cùng với đó, định giá và giá cổ phiếu của các công ty khai thác như Rio Tinto Group và BHP Group cũng tăng mạnh khi ghi nhận lợi nhuận cao ấn tượng.
Ngoài ra, các khoản tiền đổ vào các quỹ đầu tư cho ngành khai thác cũng đang bắt đầu tăng mạnh. Đơn cử, trong 6 tháng tính đến tháng 4 vừa qua, giá trị tài sản của quỹ BlackRock World Mining tăng 3,1 tỷ USD lên mức cao nhất trong 6 năm là 7,5 tỷ USD. Dẫu vậy, con số trên vẫn thấp hơn mức cao nhất vào năm 2011 là 18 tỷ USD. Điều này cho thấy dòng tiền vẫn có thể chảy vào các quỹ này mạnh hơn nữa.
Phản ứng nhanh nhạy
Trong số các nhà đầu tư có phản ứng nhanh nhạy nhất khi giá đồng bắt đầu hồi phục vào tháng 3 năm ngoái có nhóm cố vấn giao dịch hàng hóa (CTA), sử dụng phương pháp phân tích kỹ thuật bằng các thuật toán phức tạp. Thông qua phân tích dữ liệu, chính các CTA này đã tác động tới quyết định đặt cược vào đà tăng giá kim loại của nhiều nhà đầu tư từ rất sớm.
Thông thường, chiến lược giao dịch của nhóm CTA này được thực hiện với ít sự giám sát của con người. Vì thế, trong khi các nhà quản lý tài sản lo ngại Covid-19 buộc các nền kinh tế công nghiệp lớn phải tạm ngừng hoạt động thì các chương trình CTA đã sớm được khởi động.
“Các nhóm đầu cơ đã đặt cược vào sự phục hồi kinh tế toàn cầu,” Max Layton, giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Citigroup, cho biết. “Các CTA không nhất thiết phải biết tại sao mình lại làm điều đó. Họ chỉ làm việc dựa trên các mối tương quan lịch sử và xu hướng – nhưng vô tình họ đã làm đúng.”
Cũng theo ông Layton, các nhà quản lý tài sản khác cũng đang theo đuổi xu hướng này, nhưng dòng tiền lớn nhất từ các quỹ phòng hộ chỉ xuất hiện khi có những đột phá về vaccine Covid-19.
Dự đoán, tới cuối năm nay, các hợp đồng đầu cơ trên sàn giao dịch kim loại London và hợp đồng giao dịch kim loại đồng trên sàn Comex sẽ chạm ngưỡng kỷ lục mới.
Động lực cho đà tăng giá
Không như với thị trường các kim loại quý, các quỹ giao dịch hàng hóa (ETP) trước đó chưa từng đón nhận động lực lớn từ kim loại đồng, nhưng điều này đang thay đổi nhanh chóng.
Vốn ở mức thấp, song từ đầu năm tới nay, dòng vốn ròng đổ vào quỹ giao dịch hàng hóa WisdomTree Copper đã tăng tới 366 triệu USD, nâng số tài sản của quỹ lên mức kỷ lục 841 triệu USD. 5 quỹ ETP của ngành kim loại cũng đón nhận dòng vốn lớn nhất kể từ trước đến nay trong tháng 4 vừa qua.
“Các nhà đầu tư đang có nhận thức sâu sắc rằng đây không chỉ là sự gia tăng tạm thời khi nguồn cung giảm,” Mobeen Tahir, phó giám đốc nghiên cứu tại WisdomTree, cho hay. “Trên thực tế, đây là sự thay đổi căn bản trong nhu cầu đồng và nó sẽ tiếp tục đẩy giá kim loại này tăng lên.”
Bên cạnh sự lạc quan về nhu cầu đồng trong dài hạn, đà tăng giá của đồng còn được hưởng lợi từ dòng tiền mặt của các nhà đầu tư theo đuổi sự gia tăng của giá hàng hóa nói chung trong những tháng gần đây.
Theo ước tính của Citigroup, tài sản của các quỹ hàng hóa trong tháng 3 vừa qua đã lên tới 230 tỷ USD, gần chạm mức cao nhất trong 10 năm qua.
Rổ hàng hóa thường có xu hướng hoạt động tốt trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng nhanh và cũng đóng vai trò là "hàng rào" chống lại lạm phát. Trong bối cảnh lo ngại lạm phát gia tăng, dòng vốn tiếp tục chảy vào các quỹ giao dịch hàng hóa có thể sẽ đóng góp thêm động lực cho đà tăng nóng của thị trường kim loại.