Đam mê dẫn bước thành công
Sinh năm 1979 tại Nam Định, Nguyễn Thị Minh Thu vốn chưa từng tiếp xúc với kinh doanh. Sau khi ra trường, chị làm việc tại một công ty du lịch uy tín, đây cũng là thời gian hun đúc trong chị tình yêu với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam và ước mơ mang những tinh hoa này đến với bạn bè thế giới.
Ở thời điểm đó, dù là nhân viên xuất sắc của một trong những công ty du lịch uy tín tại Việt Nam nhưng mong ước đó vẫn quá xa vời với chị. Bên cạnh đó, chị dần nhận ra, với tính cách cầu toàn và chỉn chu, chị không thể tìm thấy cảm giác yên bình trong công việc phục vụ khách du lịch. CEO Minh Thu chia sẻ: “Khi làm du lịch, tôi luôn lo vấn đề ăn ở cho khách, chỉ cần một phản hồi chưa hài lòng về dịch vụ của khách cũng khiến tôi trăn trở. Ngày làm tour, ăn tour, đi ngủ cũng mơ tour… Không có lúc nào tôi có cảm giác bình yên vì thế mình quyết định rẽ ngang sang làm kinh doanh”.
Địa điểm: Lotte Hotel Hanoi
Ekip: Stylist Gia Long
Photo: Đinh Kan
MHA: Hồng Phạm
Ở độ tuổi 30, chị quyết định rời bỏ công việc ổn định để dấn thân vào “thương trường”. Áp lực lớn nhất lúc đó không đến từ bên ngoài mà chính từ sự lo lắng từ gia đình. CEO Minh Thu nhớ lại: “Bố mẹ tôi đặt ra hàng loạt câu hỏi. Đầu tiên là: Con ơi con đang làm tại một công ty uy tín, công việc rất ổn định, thu nhập cũng tốt, giờ chỉ cần tập trung vào giáo dục con cái, chăm lo gia đình… sao lại bỏ? Rồi công việc kinh doanh bận mải, con cái phải làm sao? Xong các cụ lại bồi thêm câu chuyện của rất nhiều gia đình, lúc ít tiền vợ chồng còn đoàn kết đến khi có tiền thì mỗi người một đường... Và rất nhiều câu hỏi nữa… để mong tôi cân nhắc kỹ nhưng tôi vẫn tin là mình làm được. Vì sao ư? Vì tôi đã tin tưởng bản thân, đặt ra mục tiêu phải làm được và phải thành công rồi”.
Nhìn thấy phẩm chất bản lĩnh, quyết đoán không thể thiếu của một doanh nhân ở chị, gia đình đã chấp nhận và ủng hộ để chị theo đuổi niềm đam mê. Tuy nhiên, “con đường thành công không trải hoa hồng”, đặc biệt, chị đã chọn sơn mài - vốn đòi hỏi người làm có kỹ thuật và kiến thức sâu rộng - là lĩnh vực đầu tiên để khởi nghiệp. “Tôi không phải sinh ra để làm sơn mài cũng không vẽ giỏi dù có tham gia các lớp học về hội họa, nhưng tôi có một niềm tin đồng thời xem đó là mục tiêu phải làm. Đó là làm sao cho khách hàng hiểu được các giá trị của sản phẩm, còn về kỹ thuật sẽ có các chuyên gia bên cạnh rồi. Tôi bắt tay vào làm các sản phẩm từ sơn mài với tâm thái đem giá trị truyền thống văn hóa đến khách hàng và sản phẩm đó phải là tốt nhất. Vì vậy, trong công ty chúng tôi, rất nhiều nghệ nhân sơn mài có đôi bàn tay tài hoa cho tới các họa sĩ nổi tiếng” - CEO Minh Thu chia sẻ.
Ngay từ những ngày đầu xây dựng và thành lập thương hiệu sơn mài Đông Phương, CEO Minh Thu đã chọn lối đi riêng với mục tiêu phục vụ chủ yếu các khách hàng châu Âu, Úc và châu Mỹ
chứ không phục vụ tất cả các khách du lịch đến Việt Nam và sơn mài là mặt hàng duy nhất. Chị chia sẻ: “Mọi người khuyên bảo phải có thêm mặt hàng này kia cho đa dạng. Nhu cầu của khách du lịch cũng rất đa dạng tuy nhiên tôi chỉ tiên phong một lĩnh vực là sơn mài. Bởi tôi nghĩ rằng khi tập trung một lĩnh vực thì từ mẫu mã đến chất lượng sản phẩm và nhân viên phục vụ đều được đầu tư một cách chuyên sâu và đem đến dịch vụ tốt nhất có thể. Kết quả là với sự chuyên tâm và chuyên sâu của mình, mẫu mã sản phẩm càng ngày đẹp hơn, tinh xảo hơn và khách hàng cũng dần đông hơn”.
Sau thành công của Đông Phương Art, chị tiếp tục mở rộng và thành lập 2 công ty: Công ty Đầu tư và Phát triển Du lịch Legend Hạ Long và Công ty Ngọc Trai và Trang sức An Phú. Từ chưa tới 20 nhân sự ban đầu, đến nay, các công ty của CEO Minh Thu đã tạo công ăn việc làm cho gần 300 nhân sự, cung cấp ra thị trường hơn 200 nghìn sản phẩm thủ công tinh xảo đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tuy thành phẩm khác nhau nhưng cả 3 công ty của chị đều hướng đến mục tiêu chung là đưa những sản phẩm Made in Việt Nam tới tay du khách quốc tế.
Triết lý “kinh doanh từ tâm”
Hoạt động trong ngành vật phẩm lưu niệm, hiểu rằng mỗi sản phẩm mình làm ra không đơn thuần chỉ phục vụ trang trí hay làm đẹp mà còn là một “mảng văn hoá” - đại diện mang tinh tuý của lịch sử cũng như truyền thống bao đời đất Việt sẽ theo chân du khách tới khắp mọi nơi trên thế giới, CEO Minh Thu cũng như các nghệ nhân luôn đặt trách nhiệm và “chữ Tâm” vào từng chi tiết trong quá trình sản xuất.
“Những bức tranh và các sản phẩm sơn mài của chúng tôi được làm hoàn toàn thủ công theo một cách hết sức kỳ công “chuyên chở” văn hóa thiên nhiên đất nước con người của dải đất hình chữ S xinh đẹp. Đó là những bức tranh phong cảnh, đất nước, con người Việt Nam hoặc tranh về các phong tục, truyền thống văn hóa dân gian Việt xưa và nay. Ngoài ra, chúng tôi còn có trang sức ngọc trai tinh xảo, sang trọng được làm từ những viên ngọc trai nước biển được nuôi ở vịnh Bái Tử Long trong một chu trình nghiêm ngặt từ khâu chọn giống, nuôi cấy đến thu hoạch và chế tác… Tất cả vì mục tiêu thượng tôn mà người khởi nghiệp công ty đặt ra: “Phục vụ khách hàng bằng cả trái tim” - nữ doanh nhân chia sẻ.
Bên cạnh sản phẩm, trải nghiệm của khách hàng cũng là điều được CEO Minh Thu chú trọng: “Đã làm thủ công thì không phải lúc nào cũng chính xác 100% như máy móc được và đó là cái giá của chất lượng sản phẩm được làm hoàn toàn thủ công… đúng như những gì mà công ty giới thiệu cho khách hàng đến tham quan. “Chúng tôi luôn kinh doanh với chiến lược “sản phẩm tốt nhất, giá thành phù hợp với giá trị”. Công ty có một quy trình khép kín: Có xưởng sản xuất, có phòng giới thiệu các khâu, bước để tạo ra một bức tranh gồm chất liệu gì, từng bước hoàn thiện thế nào… để khách tới tham quan mua sắm tận mắt chứng kiến và hiểu về quy trình làm ra sản phẩm. Đông Phương Art không chỉ hoạt động ở dạng mua - bán đơn thuần mà là nơi trao các giá trị để khách hiểu hơn về sản phẩm, còn việc mua hàng là cách để lưu giữ giá trị của sản phẩm đó!” – nữ doanh nhân chia sẻ.
Khác với nhiều doanh nghiệp trên thị trường luôn mang tâm lý “thương trường là chiến trường”, CEO Minh Thu quan niệm, càng nhiều người yêu và muốn hồi sinh các sản phẩm thủ công truyền thống “Made in Vietnam” càng tốt, dân tộc càng vững mạnh, đất nước thêm phồn vinh. Vì lẽ đó, nữ doanh nhân không ngại ngần kết nối với nhiều làng nghề nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của ngành chứ không riêng mỗi cá nhân hay công ty nào. Đối với chị, chính chất lượng, uy tín, cũng như “tâm” làm nghề sẽ tạo nên giá trị của mỗi doanh nghiệp, thắt chặt sợi dây kết nối với khách hàng mà không cần tới bí mật hay “công thức độc quyền” nào cả.
Với vai trò của “người đầu tàu” trong doanh nghiệp, quản lý vài trăm nhân sự, CEO Minh Thu luôn mong muốn mỗi nhân viên đều có thể coi công ty như “ngôi nhà thứ 2”, tạo ra môi trường học hỏi, giúp đỡ và quan tâm lẫn nhau. Trên hết, chị hiểu rằng, chỉ khi nhân viên coi trọng và tự tin về chất lượng sản phẩm của công ty, tập thể nhân sự mới có thể thấu hiểu và truyền cảm hứng đến khách hàng. Bên cạnh đó, các chính sách của công ty nhằm khuyến khích sự gắn bó và phát triển của nhân sự cũng được chị đặc biệt quan tâm.
Khi tập thể doanh nghiệp đã lớn mạnh, CEO Minh Thu tiếp tục làm tròn trách nhiệm của người doanh nhân với cộng đồng. Mang tinh thần “Cho đi là còn mãi”, trong những năm vừa qua, chị cùng các doanh nghiệp của mình đã tham gia nhiều chương trình thiện nguyện, tặng quà Tết, xây nhà tình thương, tặng bò cho các hộ dân còn khó khăn trên khắp vùng miền của cả nước. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tới, CEO Minh Thu cùng tập thể nhân sự tham gia hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng, góp phần hỗ trợ xây dựng khoảng 8.000 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên và một số tỉnh phía Bắc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tổ chức tặng sổ tiết kiệm tới các cựu thanh niên xung phong trong dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7).
Là một người luôn quan tâm và trăn trở với vấn đề giáo dục, CEO Minh Thu đã hỗ trợ xây dựng trường mầm non tại Mù Căng Chải (Yên Bái), tham gia các dự án tặng thư viện sách cho các trường trong cả nước, tặng xe đạp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, tập thể công ty cùng các nhà thiện tâm đang thực hiện xây cầu Vị Xuyên (Hà Giang), dự kiến sẽ khánh thành 2 cây cầu vào đầu tháng 10.