Tình hình hoạt động của các dự án Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư ra nước ngoài được Bộ Công Thương nhắc đến trong một báo cáo phối hợp thực hiện với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Báo cáo cho biết, 11/13 dự án - phần lớn thực hiện trong giai đoạn 2009-2012 - đã thua lỗ hoặc đối mặt với nguy cơ lỗ.
Điển hình trong các dự án thăm dò khai thác ở nước ngoài của PVN có nguy cơ mất trắng vốn đã rót là Junin 2 tại Venezuela, do Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP) làm chủ đầu tư. PVEP khi đó do ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, người vừa có đơn từ chức Tổng giám đốc PVN, là tổng giám đốc.
Dự án đầu tư liên doanh phát triển khai thác và nâng cấp dầu khí lô Junin 2, Venezuela được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2010, phát triển trên diện tích 247,8 km2 với trữ lượng dầu khí tại chỗ 36,6 tỷ thùng, hệ số thu hồi 4,26% với sản lượng khai thác 200.000 thùng một ngày. Tổng vốn đầu tư dự án này hơn 12,4 tỷ USD (gần 211.400 tỷ đồng), trong đó chi phí đầu tư đến năm 2015 gần 8,9 tỷ USD và từ 2016 trở đi (lấy từ nguồn thu của dự án) khoảng 3,5 tỷ.
|
Một dự án khai thác dầu khí của PVEP tại Peru. Ảnh: PVEP |
Để thực hiện dự án, PVEP đã góp vốn cùng với Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela, lập liên doanh Petromacareo (trụ sở đặt tại Thủ đô Caracas, Venezuela). 60% vốn đầu tư tại dự án Junin 2 được liên doanh vay, tương ứng 5,8 tỷ USD. 40% còn lại do các bên đóng góp tương ứng 3,1 tỷ USD. Phần vốn góp của phía Việt Nam phải đóng tương ứng với tỷ lệ tham gia 40% trong hợp đồng hơn 1,24 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư trên chưa bao gồm 584 triệu USD phí tham gia hợp đồng (chi phí hoa hồng) của phía Việt Nam trả cho Venezuela khi thăm dò, khai thác mỏ này bất kể có dầu hay không. Và nếu cộng khoản phí tham gia hợp đồng trên thì tổng vốn phía Việt Nam dự tính rót vàolà trên 1,82 tỷ USD.
Sau khi nhận được chủ trương đầu tư vào dự án tại Venezuela năm 2010, tới năm 2012 báo cáo tài chính hợp nhất của PVN cho biết, PVEP đã rót hơn 1.523 tỷ đồng (khoảng 65,5 triệu USD) vào dự án này.
Tuy nhiên dự án này bất ngờ dừng từ năm 2013 theo quyết định của Thủ tướng. "Tại Venezuela rất khó khăn, kinh tế suy giảm và đặc biệt là tỷ lệ lạm phát cao, tỷ giá giữa giá chính thức và giá "bên ngoài" tăng gấp 10 lần. Với tình hình như vậy, không có nhà đầu tư nào chịu nổi khi chuyển tiền vào đây thuê các đơn vị dịch vụ của Venezuela triển khai dự án", ông Phùng Đình Thực - nguyên Chủ tịch HĐTV PVN nêu lý do dừng tại cuộc họp về tình hình sản xuất kinh doanh PVN năm 2013.
Dự án dừng khi chưa có giọt dầu nào được khai thác, song "ông lớn" dầu khí đã đổ vào đây 442 triệu USD phí tham gia hợp đồng, chưa gồm các khoản phí đầu tư và chi phí khác. Khoản tiền này được ghi nhận tại báo cáo tài chính của PVN từ năm 2014 đến nay. Riêng khoản trả lần cuối là 142 triệu USD, PVEP đã có văn bản xin gia hạn thanh toán gửi các cấp có thẩm quyền cho tới khi hoàn thành các hoạt động thẩm định, đánh giá đầy đủ trữ lượng lô Junin 2.
Ngoài dự án Junin 2 Venezuela, loạt dự án đầu tư ra nước ngoài khác của PVN tại Peru, các nước khu vực Đông Nam Á... cũng hiệu quả thấp, nhiều trong số đó tới nay phải dừng.
Tại Peru, PVN đầu tư thăm dò hai mỏ là lô 67 vào năm 2012 với 50% quyền lợi tham gia thông qua việc mua và sở hữu 52,6% cổ phần Công ty Perenco Petroleum Limited (PPL), số tiền hơn 674 triệu USD.
Một dự án khác tại Peru là lô 39, tổng vốn góp vào dự án này tới cuối 2017 khoảng 75,5 triệu USD. Hiện các dự án được đánh giá có nhiều khả năng rủi ro, không thu hồi được vốn. Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng, kiến nghị cho chuyển nhượng chúng.
Ngoài ra, loạt dự án khai thác thăm dò của PVN ở khu vực Đông Nam Á cũng không có hiệu quả, đơn cử dự án thăm dò tại lô SK 305 - Malaysia. Dự án này bắt đầu được PVN đầu tư năm 2007 với tổng số tiền hơn 292 triệu USD.
Dự án cũng được phía các cơ quan chức năng đánh giá có nhiều tồn tại, dừng khai thác từ năm 2015. Tổng chi phí dự kiến để hoàn thành các nghĩa vụ còn lại của PVEP theo hợp đồng dầu khí trong giai đoạn 2015-2017 là 88,28 triệu USD. Ngày 5/4/2018, Hội đồng thành viên PVEP ban hành nghị quyết ghi nhận phân bổ chi phí năm 2017, chấp thuận điều chỉnh giảm chi phí ước tính thu dọn mỏ hơn 31.420 USD. Số tiền này đã được ghi nhận vào kết quả kinh doanh 2017 của PVEP.
Tại Myanmar, PVEP cũng thực hiện dự án dầu khí Lô M2, bắt đầu từ cuối năm 2008. Đánh giá khí mỏ này "còn nhiều rủi ro", tháng 5/2017, Hội đồng thành viên PVEP đã ban hành Nghị quyết dừng dự án từ tháng 9/2016.
Một dự án thăm dò khai thác khác tại nước ngoài tới nay vẫn đang dừng là lô Danan (Iran). Tổng số tiền dự kiến đầu tư vào mỏ này khoảng 82 triệu USD, song sau thời gian dài không hiệu quả, tháng 8/2018, PVN đã có công văn báo cáo Thủ tướng tạm chưa tái khởi động, tiếp tục dừng, giãn tiến độ dự án này.