Ngày pháp luật

Nguồn vốn đổ vào các startup công nghệ nông nghiệp và công nghệ thực phẩm giảm mạnh

Kim Dung

Vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào hai phân khúc này giảm 44% trong năm 2022 do chi phí và lãi suất tăng cao.

Theo Financial Times, các khoản vốn đầu tư vào startup trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp (Agritech) và công nghệ thực phẩm (Foodtech) sụt giảm mạnh vào năm 2022 trong bối cảnh lãi suất và sự hoài nghi về mô hình kinh doanh ngày càng tăng. Điều này thúc đẩy triển vọng hợp nhất ngành và gia tăng hoạt động M&A trong năm tới.

Theo phân tích sơ bộ từ nhóm dữ liệu doanh nghiệp PitchBook, trong năm 2022, các công ty trong hai lĩnh vực công nghệ nông nghiệp và công nghệ thực phẩm chỉ huy động được chưa đến 30 tỷ USD, giảm 44% so với năm ngoái.

Trong khi đó, khoản đầu tư vào hai lĩnh vực này từng tăng 1/3 vào năm 2020 và tăng hơn gấp đôi trong năm 2021 khi các startup huy động vốn và thúc đẩy làn sóng đầu tư xanh.

Sự bùng nổ diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ hơn về sự tác động của hoạt động nông nghiệp và sản xuất thịt đến môi trường cũng như những lo ngại về an ninh lương thực.

Lượng vốn "rót" vào startup công nghệ nông nghiệp và công nghệ thực phẩm qua các năm (đơn vị: tỷ USD).
Lượng vốn "rót" vào startup công nghệ nông nghiệp và công nghệ thực phẩm qua các năm (đơn vị: tỷ USD).

Các quỹ đầu tư mạo hiểm đã hỗ trợ một loạt startup phát triển phân bón sinh học, nông trại thẳng đứng (mô hình canh tác nông nghiệp trong đó cây được trồng theo lớp xếp chồng lên nhau, thay vì những cánh đồng trải dài theo chiều ngang) và robot, cũng như các loại thực phẩm thay thế protein như thịt làm từ thực vật hoặc nuôi trong phòng thí nghiệm.

Theo Alex Frederick, nhà phân tích công nghệ tại PitchBook, ngoài vấn đề lãi suất tăng cao trong năm nay thì sự biến động trên thị trường chứng khoán cũng đã thu nhỏ cơ hội phát hành chứng khoán, hạn chế lựa chọn thoái vốn, dẫn đến việc các nhà đầu tư miễn cưỡng tài trợ cho các vòng cấp vốn giai đoạn sau.

Dữ liệu từ Pitchbook cho thấy, mức giảm đầu tư vào công nghệ nông nghiệp và công nghệ thực phẩm năm 2022 mạnh hơn so với tất cả các lĩnh vực khác. Tình trạng sụt giảm mạnh về tài chính xảy ra khi nhiều startup phải vật lộn với sự gia tăng chi phí lao động, năng lượng và các đầu vào khác.

Nhiều công ty buộc phải xem xét lại mô hình kinh doanh của mình trong khi một số công ty sản phẩm thay thế protein đã lên sàn chứng khoán như Beyond Meat và Oatly phải cắt giảm mức chi tiêu vốn cũng như nhân sự.

PitchBook cho biết một số công ty phát triển nông trại thẳng đứng đã phải đóng cửa do chi phí năng lượng tăng mạnh.

Mark Lynch, thuộc tổ chức tư vấn tài chính Oghma Partners, cho biết với mức chi phí tổng tăng từ 15 - 25% do lạm phát, “một số doanh nghiệp ở giai đoạn đầu sẽ phải vật lộn để tồn tại”. Ông cho rằng, nhiều thương vụ hợp nhất sẽ diễn ra, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống khi định giá ngày càng bị "đè nén". 

Lynch chia sẻ: “Nhiều công ty có thể coi việc bán mình như một lối thoát và chúng tôi hy vọng sẽ thấy sự gia tăng trong hoạt động M&A do những điều kiện khó khăn hiện nay”.

Theo các nhà phân tích, không có gì tiêu tốn tiền bằng việc xây dựng startup vào thời điểm chi phí tăng đột biến. Mặc dù nguồn vốn tài trợ giảm trong năm nay, nhưng các khoản đầu tư vẫn cao hơn 20% so với năm 2020.

Vấn đề an ninh lương thực vẫn sẽ được chú ý bởi tác động từ biến đổi khí hậu, dân số, nhu cầu về thực phẩm tốt cho sức khỏe và không có hóa chất ngày càng tăng. Công nghệ thực phẩm và công nghệ nông nghiệp vẫn sẽ thu hút giới đầu tư trong dài hạn.

Tom Brennan, đối tác tại văn phòng McKinsey, cho biết lượng vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào công nghệ nông nghiệp và thực phẩm đã tăng gấp 20 lần trong thập kỷ qua. Ông nói: “Chúng tôi nhận thấy sự quan tâm đến công nghệ nông nghiệp và thực phẩm như một lĩnh vực đầu tư khi các startup phát triển công nghệ bền vững và có khả năng mở rộng quy mô".

Tin Cùng Chuyên Mục