Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu đã chứng kiến sự sụt giảm rõ rệt trong năm nay và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn nhìn thấy nhiều cơ hội phát triển dài hạn trong ngành công nghệ nước ta.
Triển vọng kinh tế ấn tượng
Theo báo cáo gần đây của Bain & Company và Monk's Hill Ventures' Angsana, nền kinh tế Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng trưởng 4-5% mỗi năm trong 10 năm tới, trong đó Việt Nam dẫn đầu với mức tăng trưởng dự kiến 5-7%.
“Nhìn chung, Việt Nam có tiềm năng phát triển vượt hẳn thập kỷ vừa rồi, trong khi phần còn lại ở Đông Nam Á có thể duy trì hoặc vượt một chút tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2010-2021,” báo cáo viết.
Ngoài ra, Việt Nam sẽ dẫn đầu với mức tăng trưởng 31% về tổng giá trị hàng hóa (GMV) từ 23 tỷ USD năm 2022 lên 49 tỷ USD năm 2025, theo báo cáo “e-Conomy SEA 2022” do Google, Temasek và Bain & Company công bố.
Triển vọng tích cực này càng được củng cố khi ngày càng nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm mới tập trung vào thị trường Việt Nam được ra mắt. Chẳng hạn như công ty đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc Nextrans với quỹ 50 triệu USD, VinaCapital Ventures với quỹ 100 triệu USD, Ascend Vietnam Ventures quỹ 64 triệu USD.
“Hoạt động khởi nghiệp hiện tại ở Việt Nam hiện tại tương tự như những gì chúng tôi quan sát được ở Indonesia trong năm 2015-16… Tôi rất lạc quan rằng Việt Nam sẽ giữ vị trí dẫn đầu về vốn đầu tư,” đối tác sáng lập Golden Gate Ventures, Vinnie Lauria nhận định.
Ông Bert Kwan, quản lý tại Silverhorn Group thì cho rằng Việt Nam được hưởng lợi nhờ cơ cấu dân số trẻ và xu hướng các công ty đa quốc gia đa dạng hóa cơ sở sản xuất.
Justin Nguyễn, đối tác chung với Monk's Hill Ventures bổ sung:
“Chúng tôi thấy các nhà quản lý dày dạn kinh nghiệm từ các tập đoàn hàng đầu tận dụng lợi thế của thị trường lao động để thành lập công ty riêng. Những nhà sáng lập có tầm nhìn này đang cố gắng giải quyết một số vấn đề lớn nhất mà Việt Nam đối mặt, vì vậy chúng tôi rất vui lòng được giúp họ đưa start-up cất cánh.”
Giao dịch giai đoạn đầu giữ phong độ
Các khoản đầu tư giai đoạn đầu vào hệ sinh thái khởi nghiệp nước ta vẫn nóng bất chấp 'mùa đông cấp vốn'. Dữ liệu từ Do Ventures trong 9 tháng đầu năm cho thấy các giao dịch giai đoạn đầu chiếm hơn 73% tổng số giao dịch, dù thấp hơn mức 79% trong cùng kỳ năm ngoái.
Ông Hoàng Đức Trung, đối tác tại VinaCapital Ventures cho biết các quỹ đã thay đổi chiến thuật trong bối cảnh mùa đông tài trợ, dành nhiều thời gian hơn để khám phá và thử nghiệm thị trường, đồng thời đầu tư vào nhiều công ty khởi nghiệp hơn nhưng với quy mô nhỏ hơn.
Trong khi các giao dịch Series A được dự đoán tăng trưởng trong tương lai gần, việc huy động vốn của các startup ở giai đoạn Series B và Series C vẫn còn một số thách thức như khó huy động vốn với quy mô lớn tại Việt Nam, định giá vượt kỳ vọng, định giá cao hơn so với các vòng trước,...
“Các công ty có thể chứng tỏ năng lực, hiệu quả hoạt động cũng như sự ổn định về tài chính và khách hàng trong điều kiện kinh tế vĩ mô không chắc chắn vẫn có thể huy động vốn và phát triển. Vốn tăng trưởng sẽ dần dần được định vị tốt để đáp ứng nhu cầu thị trường,” ông Trung chia sẻ.
Các chuyên gia quan sát thấy rằng một số quỹ nước ngoài giai đoạn sau đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư vào start-up Việt. Danh sách bao gồm những cái tên nổi tiếng như Warburg Pincus, SoftBank Ventures Asia, Goodwater Capital, SBI Holdings và Affirma Capital,...
healthtech và edtech phát triển mạnh mẽ
Năm nay, các thương vụ công nghệ y tế (healthtech) và công nghệ giáo dục (edtech) trong nước ta vẫn giữ được đà phát triển với các giao dịch đáng chú ý như Medici, Med247, Jio Health, Edupia, Azota và VUIHOC.
Vào tháng 8, Medici, một nền tảng bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe huy động được 8,5 triệu USD trong vòng tài trợ Series A do công ty đầu tư mạo hiểm Jungle Ventures (Singapore) dẫn đầu.
Tháng sau, start-up edtech Edupia thu về 14 triệu USD trong vòng cấp vốn Series A cũng do Jungle Ventures dẫn đầu.
Định giá hợp lý
Việc điều chỉnh định giá đang diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Các công ty có tỷ lệ đốt vốn cao và không thể tạo ra dòng tiền sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp bền vững với tài chính tốt trong dài hạn và trung hạn sẽ có thể vượt qua khủng hoảng và phục hồi, theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, đồng sáng lập Do Ventures
“So với các thị trường Đông Nam Á khác, định giá ở Việt Nam không bị thổi phồng như vậy. Nói chung, việc điều chỉnh giá sẽ lớn hơn ở các start-up giai đoạn sau so với giai đoạn đầu. Vì sự khác biệt 10-20% ở một công ty huy động được 30 - 50 triệu USD đáng chú ý hơn nhiều so với công ty chỉ mới huy động được 1 -3 triệu USD,” Vinnie Lauria cho biết.
Tập trung vào tính bền vững
Tính bền vững bao gồm môi trường, xã hội và quản trị sẽ là yếu tố quyết định thấp kỷ kỹ thuật số của Đông Nam Á. Theo báo cáo “e-Conomy SEA 2022”, khí thải và tài nguyên là những vấn đề môi trường nóng nhất.
Theo các chuyên gia, trong những năm tới, các lĩnh vực như chất thải thực phẩm và giải pháp an toàn thực phẩm, cơ sở hạ tầng xe điện và khử cacbon dự kiến sẽ thu hút các nhà đầu tư.
Vào tháng 11, start-up xe máy điện Dat Bike huy động được 8 triệu USD trong vòng cấp vốn mới do Jungle Ventures dẫn đầu.
Trước đó vào tháng 4, start-up này cũng gọi thành công 5,3 triệu USD trong vòng Series A. Cùng tháng đó, Koidra, một start-up công nghệ nông nghiệp hoạt động ở cả Seattle và TP. Hồ Chí Minh, đã huy động được 4,5 triệu USD trong vòng hạt giống do Ospraie Ag Science (OAS) dẫn đầu, với sự tham gia của Amritam Holdings, Cavallo Ventures và Foothill Ventures.
Link bài gốc