Ngày pháp luật

Người dân tăng gửi tiền vào ngân hàng

Theo TheLEADER

Số liệu mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 3/2023, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đã đạt hơn 11,9 triệu tỷ đồng, tăng hơn 148 nghìn tỷ đồng so với tháng 2.

Tăng trưởng huy động vốn vẫn đang dựa vào nhóm khách hàng dân cư. Cụ thể, tiền gửi của khách hàng cá nhân tại hệ thống TCTD tăng hơn 101 nghìn tỷ đồng trong tháng 3 lên hơn 6,28 triệu tỷ. Đây là tháng tăng trưởng dương thứ 16 liên tiếp của tiền gửi dân cư, bắt đầu từ tháng 12/2021.

Tiền gửi của người dân tăng mạnh khi số liệu NHNN ghi nhận được cho thấy tổng số dư tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng vào khoảng 6,28 triệu tỷ đồng, tăng 7,08% so với cuối năm 2022. Đây tiếp tục là tháng tăng trưởng dương thứ 16 liên tiếp của tiền gửi dân cư, tính từ tháng 12/2021.

Trong khi đó, tiền gửi của nhóm khách hàng doanh nghiệp sau khi giảm mạnh 338.000 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm đã phục hồi lại trong tháng 3. Theo thống kê của NHNN tính đến cuối tháng 3, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt 5,66 triệu tỷ đồng, tăng hơn 48.000 tỷ đồng so với tháng 2, tương đương mức tăng 0,8%.

Tuy nhiên nếu so sánh với cuối năm 2022, tiền gửi của các tổ chức kinh tế vẫn ghi nhận tình trạng sụt giảm ở mức 4,87%, tương đương trên 275.000 tỷ đồng tiền gửi của nhóm khách hàng này bị rút khỏi hệ thống ngân hàng.

Theo NHNN, tính chung tiền gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng vào cuối tháng 3 đạt mức hơn 11,9 triệu tỷ đồng, tăng hơn 148.000 tỷ đồng so với tháng 2, tương đương mức tăng gần 1,3%. Mức tăng trưởng huy động vốn vẫn chủ yếu dựa vào nhóm khách hàng dân cư.

Diễn biến ngược chiều của tiền gửi cá nhân và tiền gửi tổ chức thời gian qua đến từ những thay đổi về lãi suất trên thị trường cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Lãi suất huy động tăng cao đã thúc đẩy người dân gửi nhiều tiền hơn vào ngân hàng trong những tháng đầu năm, đồng thời hạn chế các khoản chi tiêu, đầu tư.

Trong khi ngược lại, lãi suất cho vay cao khiến các doanh nghiệp hạn chế đi vay, phải rút bớt tiền gửi để trang trải cho các hoạt động và đảm bảo thanh khoản. Tình hình kinh doanh khó khăn cũng khiến các doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền trong những tháng đầu năm nay.

Tuy nhiên, với việc các ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy động thời gian qua, tiền gửi được kỳ vọng sẽ giảm trong thời gian tới để dòng tiền quay trở lại sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.

Theo chứng khoán VNDirect, tính đến đầu tháng 3, lãi suất huy động bắt đầu hạ nhiệt hơn đặc biệt ở kỳ hạn 12 tháng khi bình quân tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) tư nhân và nhóm ngân hàng TMCP quốc doanh lần lượt ở mức 7,8%/năm và 7,2%/năm, giảm lần lượt 41 điểm và 20 điểm cơ bản so với thời điểm cuối tháng 1.

Nhóm phân tích kỳ vọng lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống 6,5%/năm trong năm nay do nhu cầu tín dụng yếu do tăng trưởng kinh tế chậm chạp và thị trường bất động sản ảm đạm; Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để giảm lãi suất điều hành

Đồng tình với quan điểm này, công ty chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có nhiều lý do để tiếp tục nới lỏng và nhiều khả năng sẽ có thêm đợt hạ lãi suất trong nửa cuối năm nay.

Tin Cùng Chuyên Mục