Hướng đi khác biệt…
Sản phẩm chủ đạo của Xưởng sản xuất gốm Hà Chuyên do Nghệ nhân Phạm Hà làm chủ là dòng tranh gốm sứ. Từ năm 1999 khi bắt tay vào làm nghề, anh là người đầu tiên và đến nay cũng là duy nhất duy trì và phát triển dòng sản phẩm này. Khi mới khởi nghiệp, vợ chồng anh đã xác định phải có hướng đi riêng và phải tạo sự khác biệt, đóng góp nhỏ bé công sức của mình vào việc phục dựng làng nghề, làm cho nghề truyền thống của quê hương thêm sắc nét và đa dạng hơn.
Sau khi những bức tranh đầu tiên hoàn thiện, khách hàng rất thích. Thứ nhất bởi độ bền của sản phẩm là vĩnh cửu (có thể tồn tại hàng ngàn năm); Màu sắc thì không bao giờ phai mờ (vì được nung trong lò nung có nhiệt độ tới 1.200 độ). Sau khi thành công trong lĩnh vực tranh gốm sứ, anh bắt đầu sáng tạo ra các sản phẩm mới (bình hoa, bình hút lộc…). Trong tâm tưởng, anh luôn thấm nhuần phương châm sống của Bác Hồ: “Trong lao động phải có sáng tạo”, với tư duy nhạy bén và chịu khó học hỏi, anh luôn không ngừng nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm giá trị hơn, chất lượng hơn. Riêng đối với sản phẩm tranh gốm, không dừng lại ở các bức vẽ cỡ nhỏ, vừa, trung, anh sáng tác ra những bức tranh ghép sân vườn biệt thự khổ lớn hàng chục mét khiến không ít người phải trầm trồ, thán phục.
Nghệ nhân Phạm Hà chia sẻ: Để làm được những tác phẩm như thế không đơn giản chút nào. Ngoài sự đam mê, tâm huyết, vợ chồng anh phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức… Có bức tranh làm mất mấy tháng, giá trị lên tới mấy chục triệu đồng. Còn những bức bình thường có giá trung bình từ 1-3 triệu đồng. Cho dù đắt hay rẻ, lớn hay bé, mỗi tác phẩm đều được trau chuốt, đắp nổi rất kỳ công.
Dòng tranh gốm sứ vốn dĩ đã “đặc biệt”, nay được sáng tạo thêm mẫu mã, đường nét cải biến nên càng thêm đặc biệt. Các bức vẽ thể hiện đa dạng, sắc nét 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông nhưng có sự cải biến rất nhiều so với trước (trước các cụ làm đơn giản hơn). Trước chỉ có các bức tứ quý (Tùng Cúc Trúc Mai), nay có thêm Công, Trĩ, Gà… đường nét vẽ cũng khác xưa, kỹ hơn, tinh hơn. Các bức tranh phong cảnh làng quê, các danh thắng của Thăng Long (Hà Nội) được nhiều khách đặt hàng vì họ chán nhìn thấy toàn nhà cao tầng san sát nhau và ô nhiễm môi trường thì ngày càng trầm trọng… Đặc biệt, các bức tranh cửu ngư (9 con cá chép), tranh tri ân thầy cô, cha mẹ… cũng rất thu hút khách hàng.
Hoa nở… trên gốm
Nhìn đó tưởng đơn giản, nhưng để có được những sản phẩm bắt mắt và đa dạng như thế, là công sức của biết bao người. Những năm 1990, còn đốt bằng lò than, hai vợ chồng Nghệ nhân Phạm Hà miệt mài thiết kế, sáng tạo, từng mẻ gốm ra đời thấm đẫm những giọt nước mắt, xen lẫn mồ hôi của họ. Tiếp theo đó, lò than thay thế bằng lò đốt gas, rồi lò điện. Khi áp dụng công nghệ, sức lao động của con người cũng được giải phóng, môi trường đỡ ô nhiễm hơn nhưng cái gì cũng có cái khó của nó, những thiết bị hiện đại cũng không thể thay thế được bàn tay và khối óc của con người. “Đã làm nghề thì phải say nghề, yêu nghề bởi khó khăn rất nhiều, rủi ro thì xảy ra bất cứ lúc nào” – Nghệ nhân Phạm Hà khẳng định.
Hồi mới làm, do thiếu kinh nghiệm, sản phẩm bị lỗi hỏng anh cũng chán nản lắm, nhưng quyết tâm làm các sản phẩm chất lượng hơn, khắc phục các điểm hạn chế lại thôi thúc anh vượt qua, làm lại và cuối cùng cũng thành công. Theo Nghệ nhân Phạm Hà: Các cụ đã dạy: “Làm gì cũng phải có sự trả giá, có trả giá thì mới thành công. Khi vấp ngã mà đứng dậy được thì lại càng thành công. Suy nghĩ đó đã giúp anh có thêm động lực và quyết tâm làm và rồi thành công đã… gõ cửa.
Khi sản phẩm bị lỗi, hỏng, anh phải tìm tòi, nghiên cứu, áp dụng khoa học, chịu lực, đàn hồi để ứng dụng cho phù hợp; Rồi khi làm cả bức tranh sứ to, dài hàng mét thì phải xếp, nung làm sao cho tranh phải thẳng, không được quăn queo. Suy nghĩ, trăn trở, nhiều mẻ nung bị hỏng, anh thao thức để chỉ ra nguyên nhân, tìm phương án khắc phục. Không biết bao nhiêu đêm anh thức chờ ra lò, chỉ mong thời khắc đó nhanh đến để xem kết quả ra sao…
Trải qua cảm giác đó, anh càng thấy gắn bó, yêu nghề hơn, cố gắng vượt qua. Theo anh: Nghề gốm vô cùng đa dạng và là mảnh đất màu mỡ để các nghệ nhân tha hồ sáng tác. Một năm cơ sở của anh sản xuất hàng ngàn sản phẩm, nhưng chỉ cần khách hàng thích thú khi mua được 1 sản phẩm ưng ý cũng khiến anh cảm thấy hạnh phúc, phấn khích, có thêm động lực tiếp tục cống hiến, sản xuất, kinh doanh. Nhờ có nghề, yêu nó và sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng, vợ chồng anh đã thành công trong sự nghiệp, mua đất làm cơ sở sản xuất, xây dựng cơ ngơi khang trang cho gia đình; Nuôi dạy con cái ăn học thành người.
Nghệ nhân Phạm Hà có hai người con thì cô con gái lớn sinh năm 1996 học Sư phạm đã lấy chồng sinh con, vẫn hỗ trợ bố trong công việc. Con trai đang học Khoa Điêu khắc (Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp), hứa hẹn sẽ là cộng sự đắc lực cho gia đình trong việc phát triển nghề truyền thống của quê hương…
Đến thăm Xưởng sản xuất gốm Hà Chuyên, chúng tôi được đắm mình trong một không gian nghệ thuật, với vô vàn bức tranh với đề tài thiên nhiên, cuộc sống, con người vô cùng phong phú, nên thơ. Và sáng bừng không gian đó là những bông hoa e ấp, dịu dàng leo, bám trên các bình gốm cổ. Hoa đã nở trên gốm và mùa Xuân đã xôn xao về bên khung cửa mỗi nhà!