Sau hai phiên lao dốc, giá vàng thế giới đã chững đà đi xuống trong bối cảnh đồng USD quay đầu giảm và lo ngại về suy thoái kinh tế thúc đẩy nhu cầu với giá kim loại quý.
Đầu phiên, giá kim loại quý có lúc tụt sâu xuống mức 1.817 USD/ounce nhưng sau lại tăng nhẹ trở lại nhờ sự thúc đẩy của đồng USD. Chỉ số USD Index giảm 0,29% xuống 103,895 điểm, giúp vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua ở thị trường quốc tế.
Chốt phiên cuối tuần, mỗi ounce vàng thế giới dừng ở 1.825 USD, tăng 1 USD so với giá cùng thời điểm hôm qua.
Bên cạnh đồng USD, lãi suất trái phiếu Mỹ đứng vững trên 3%/năm cũng phần nào kích thích nhà đầu tư đổ vốn vào trái phiếu, qua đó giúp thị trường vàng khởi sắc.
Chiến lược gia hàng hóa Daniel Ghali của TD Securities nhận định, một nhóm các lực đang thúc đẩy giá vàng theo cả hai hướng, buộc kim loại quý phải duy trì trong một phạm vi hẹp.
“Thị trường ghi nhận nguy cơ suy thoái và các dấu hiệu về sự chậm lại trong tăng trưởng toàn cầu sắp xảy ra, thúc đẩy dòng vốn đổ vào vàng như một nơi trú ẩn an toàn. Mặt khác, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát thêm động thái siết chặt chính sách tiền tệ nhằm chống lạm phát, góp đẩy lãi suất thực tế tăng đáng kể", ông Ghali nói thêm
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC gần như đi ngang với biên độ điều chỉnh tăng nhẹ trong khoảng 50.000 đồng/lượng. Cụ thể, tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng miếng SJC niêm yết giao dịch tại 67,85 - 68,67 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng ở cả hai chiều. Cùng lúc đó, giá vàng miếng SJC tại Doji giữ nguyên so với giá hôm qua, niêm yết giao dịch tại 67,75 - 68,55 triệu đồng/lượng.
Ở thị trường ngoại hối, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố sáng nay ở mức 23.101 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 22.550 - 23.050 đồng/USD (mua vào - bán ra).
Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, tỷ giá giao dịch ghi nhận quanh mốc 22.960 - 23.200 đồng/USD. Trong khi đó, ngân hàng Vietinbank ghi nhận tỷ giá giao dịch 22.600 - 22.760 đồng/USD.