Chốt phiên cuối tuần, giá vàng thế giới đảo chiều vọt tăng mạnh với biên độ tới 30 USD, lên mức 1.657 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao dịch lần cuối ở 1.656,3 USD/ ounce, tăng 19,5 USD so với rạng sáng ngày trước đó.
Kim loại quý vọt tăng mạnh phiên chốt tuần sau khi kết quả bỏ phiếu của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc có nên giảm quy mô tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 12 hay không cho thấy 2 luồng ý kiến trái chiều. Một số quan chức Fed không đồng tình về các hành động trong tương lai liên quan đến tốc độ và quy mô tăng lãi suất của Fed.
Bên cạnh đó, đồng USD đã dứt đà tăng trước đó, và quay đầu giảm giúp vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác. Chỉ số USD, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ, giảm 0,88% xuống 111,82 điểm.
Mặc dù phiên cuối tuần, vàng tăng vọt, nhưng các chuyên gia cho rằng kim loại quý trong ngắn hạn vẫn sẽ chịu sức ép khi đồng bạc xanh và lợi suất trái phiếu tăng mạnh nhờ được hỗ trợ bởi các động thái tăng lãi suất của Fed.
Vàng phải vật lộn để tìm động lực tăng giá trong hầu hết năm 2022 do chính sách tiền tệ tích cực của Fed đã đẩy đồng USD lên mức cao nhất trong 20 năm. Tuy nhiên, xét về dài hạn, khả năng phục hồi của kim loại quý vẫn còn.
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC cũng điều chỉnh tăng nhẹ theo đà tăng của giá vàng thế giới. Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng miếng SJC giữ nguyên ở cả hai chiều, giao dịch tại 66,3 - 67,32 triệu đồng/lượng. Cùng lúc đó, giá vàng miếng SJC tại Doji điều chỉnh tăng 350.000 đồng/lượng ở cả hai chiều bán và mua, niêm yết giao dịch tại 66,55 - 67,55 triệu đồng/lượng.
Ở thị trường ngoại hối, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố sáng nay ở mức 23.688 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 24.380 đồng/USD.
Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, tỷ giá giao dịch ghi nhận quanh mốc 24.440 - 24.750 đồng/USD. Trong khi đó, ngân hàng Vietinbank ghi nhận tỷ giá giao dịch 24.535 - 24.835 đồng/USD.