Ngày pháp luật

Ngày 16/10: Vàng thế giới đảo chiều đi xuống khi USD bị bán tháo và dữ liệu kinh tế Mỹ khởi sắc

Giang Phạm

Hiện mỗi ounce vàng thế giới niêm yết trên sàn Hong Kong tại 1.767 USD, thấp hơn 30 USD so với giá cùng thời điểm sáng qua.

Sau khi tăng gần 40 USD vào giữa tuần, với dữ liệu lạm phát nóng hơn dự kiến, giá vàng vẫn không thể giữ được ngưỡng quan trọng 1.800 USD/ounce.

Chốt phiên cuối tuần, giá vàng thế giới đảo chiều đi xuống khi lợi suất trái phiếu Mỹ phục hồi và doanh số bán lẻ tháng 9 của Mỹ bất ngờ tăng. Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ công bố doanh số bán lẻ tháng 9/2021 tăng 0,7%, tăng cao hơn dự báo giảm 0,2%. 

Hiện mỗi ounce vàng thế giới niêm yết trên sàn Hong Kong tại 1.767 USD, thấp hơn 30 USD so với giá cùng thời điểm sáng qua.

Nhiều nhà phân tích nhận định, thông tin này đã khiến giới đầu tư tài chính lạc quan về đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ, qua đó bán tháo đồng bạc xanh khiến USD giảm giá trên diện rộng. Dòng tiền trên thị trường tập trung vào các kênh đầu tư khác như trái phiếu Mỹ và cổ phiếu quốc tế. 

Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu Mỹ đứng vững ở mức 1,55%/năm. Sự phục hồi từ đáy một tuần của lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của chính phủ Mỹ đã làm tăng chi phí cơ hội của việc sở hữu kim loại quý. 

Sáng cuối tuần, giá vàng trong nước giữ nguyên không đổi so với giao dịch chốt phiên chiều qua. 

Theo đó, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC đứng yên ở cả hai chiều mua và bán, giao dịch tại 57,25 - 57,97 triệu đồng/lượng. Cùng lúc đó, vàng miếng SJC tại Doji niêm yết tại 57,15 - 57,9 triệu đồng/lượng.

Ở thị trường ngoại hối, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố sáng nay ở mức 23.159 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 22.750 - 23.804 đồng/USD (mua vào - bán ra).

Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, tỷ giá giao dịch ghi nhận quanh mốc 22.630 - 22.860 đồng/USD. Trong khi đó, ngân hàng Vietinbank ghi nhận tỷ giá giao dịch 22.639 - 22.859 đồng/USD.

Tin Cùng Chuyên Mục