Sau vài phiên đi lên, giá vàng thế giới hôm nay quay đầu giảm nhẹ trong bối cảnh dòng tiền dồn vào đồng USD và trái phiếu Mỹ.
Trước đó ở giữa phiên, giá vàng biến động tăng giảm bất thường với biên độ dao động lên tới gần 15 USD/ounce. Có thời điểm, giá vàng bốc hơi 13 USD, lùi về 1.961 USD/ounce trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) công bố giữ nguyên lãi suất cơ bản nhưng lại hạn chế cung ứng đồng euro ra thị trường nhằm giảm bớt đà tăng của lạm phát.
Ông Edward Moya, một nhà phân tích cấp cao của Oanda, cho biết thị trường kinh ngạc vì sự ôn hòa từ ECB, điều này thực sự đang cung cấp sức mạnh cho đồng USD. Vì vậy, vàng đang bị ảnh hưởng nặng.
Cùng với đó, giới đầu tư thêm tin tưởng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ quyết định tăng 0,5 điểm % lãi điểm vào tháng 5/2022. Những thông tin này khiến giới đầu tư tài chính đã dồn vốn vào "đồng bạc xanh" giúp đồng USD tăng giá, qua đó đẩy giá vàng vào hoàn cảnh bất lợi. Tại thời điểm khảo sát, chỉ số USD Index tăng 0,39% lên 100,303 điểm.
Vàng cũng bị ảnh hưởng khi trái phiếu trở nên hấp dẫn. Cụ thể, lãi suất trái phiếu từ 2,6%/năm vọt lên 2,8%/năm. Giới đầu tư tiếp tục gom USD để mua trái phiếu, càng tạo thêm áp lực lên vàng.
Hiện mỗi ounce vàng thế giới đã tăng nhẹ trở lại, giao dịch trên sàn Hong Kong ở 1.973 USD, giảm 3 USD so với giá cùng thời điểm hôm qua.
Theo đà tăng giảm trái chiều của giá vàng thế giới, thị trường vàng miếng SJC biến động nhẹ với biên độ dao động trong vùng hẹp.
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng miếng SJC niêm yết tại 68,95 - 69,57 triệu đồng/lượng. Cùng lúc đó, vàng miếng SJC tại Doji giao dịch tại 68,95 - 69,55 triệu đồng/lượng.
Ở thị trường ngoại hối, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố sáng nay ở mức 23.106 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 22.550 - 23.050 đồng/USD (mua vào - bán ra).
Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, tỷ giá giao dịch ghi nhận quanh mốc 22.960 - 23.200 đồng/USD. Trong khi đó, ngân hàng Vietinbank ghi nhận tỷ giá giao dịch 22.600 - 22.760 đồng/USD.