Giá vàng thế giới tiếp đà đi xuống trong bối cảnh cuộc đàm phán hoà bình giữa Nga - Ukraine có tiến triển. Cùng với đó, lãi suất trái phiếu Mỹ tăng lên 2,1%/năm - mức cao nhất kể từ tháng 7/2019, qua đó gây áp lực lên giá vàng hôm nay.
Mặt khác, giá kim loại quý phải đối mặt sức ép lớn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cùng khả năng Fed thông báo tăng lãi suất cơ bản 0,25 điểm% và sẽ có thêm nhiều lần tăng lãi suất trong năm 2022.
Giá vàng thế giới theo đó lao dốc, hiện giao dịch trên sàn Hong Kong ở 1.941 USD/ounce.
Nhiều chuyên gia nhận định, giá vàng vốn rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ, điều này làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn không sinh lời. Lãi suất cao hơn, nhằm mục đích kiềm chế lạm phát, cũng làm giảm sức hấp dẫn của vàng như một biện pháp phòng ngừa lạm phát.
Michael Langford, Giám đốc công ty cố vấn AirGuide (Mỹ) dự báo, trước nhiều thông tin về căng thẳng địa chính trị và quyết định từ cuộc họp của Fed, giá vàng sẽ ổn định ở mức 1.900 USD/ounce trong những tuần tới.
Theo đà giảm của giá vàng thế giới, vàng miếng SJC ở thị trường trong nước điều chỉnh giảm mạnh với biên độ lên tới 1 triệu đồng/lượng. Cụ thể, tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, vàng miếng SJC niêm yết giao dịch tại 66,9 - 68,12 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng ở chiều mua và 900.000 đồng ở chiều bán so với giá chốt phiên chiều qua.
Cùng lúc đó, vàng miếng SJC tại Doji niêm yết giao dịch tại 66,7 - 67,9 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng và 900.000 đồng ở chiều mua - bán.
Với đà giảm mạnh của giá vàng hôm nay trong 2 ngày liên tiếp, giá vàng SJC đã "bốc hơi" tới 6 triệu đồng/lượng so với mốc giá lập đỉnh vào tuần trước.
Ở thị trường ngoại hối, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố sáng nay ở mức 23.186 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 22.550 - 23.050 đồng/USD (mua vào - bán ra).
Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, tỷ giá giao dịch ghi nhận quanh mốc 22.960 - 23.200 đồng/USD. Trong khi đó, ngân hàng Vietinbank ghi nhận tỷ giá giao dịch 22.600 - 22.760 đồng/USD.