Giá vàng thế giới biến động khó lường khi giảm sốc rồi vọt tăng trở lại ở phiên chốt cuối tuần trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine leo thang.
Với lạm phát tại Mỹ tăng vọt vào tháng 2, đặt cược vào khả năng ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất qua đêm lên ít nhất 25 điểm cơ bản vào ngày 16/3 đã lên tới 94%, khiến giới đầu tư tăng trú ẩn vào kim loại quý. Ông David Meger, giám đốc phòng kinh doanh kim loại tại High Ridge nhận định, vàng có nhiều yếu tố cơ bản lạc quan như lạm phát và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài, nhưng trong ngắn hạn, giá có thể điều chỉnh giảm.
Vàng cũng chịu áp lực từ lợi suất trái phiếu và đồng bạc xanh tăng cao. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng lên 2%, theo đó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Cùng lúc đó, đồng USD mạnh khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác. Chỉ số USD, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ tăng 0,62% lên 99,115 điểm. Chốt phiên cuối tuần, mỗi ounce vàng thế giới niêm yết tại 1.986 USD.
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC hạ nhiệt trở lại với biên độ giảm từ 600.000 - 800.000 đồng/lượng.
Cụ thể, mỗi lượng vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn điều chỉnh giảm 800.000 đồng ở cả hai chiều, giao dịch tại 67,6 - 69,4 triệu đồng/lượng. Cùng lúc đó, vàng miếng SJC tại Doji niêm yết tại 67,2 - 69,3 triệu đồng/lượng, giảm 800.000 đồng ở cả hai chiều.
Ở thị trường ngoại hối, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố sáng nay ở mức 23.164 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 22.550 - 23.050 đồng/USD (mua vào - bán ra).
Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, tỷ giá giao dịch ghi nhận quanh mốc 22.960 - 23.200 đồng/USD. Trong khi đó, ngân hàng Vietinbank ghi nhận tỷ giá giao dịch 22.600 - 22.760 đồng/USD.