Không thể vượt qua ngưỡng cản 1.830 USD/ounce, giá vàng thế giới đi xuống khi dữ liệu kinh tế Mỹ kém đi, đồng USD mạnh lên, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ lên cao, hỗ trợ bởi triển vọng tăng lãi suất.
Cụ thể, Mỹ công bố doanh số bán lẻ tháng 12/2021 giảm 1,9%, yếu hơn nhiều so với dự báo chỉ giảm 0,1%. Trong khi đó, đồng USD tăng so với các đồng tiền đối thủ đã khiến vàng thỏi đắt hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác. Chỉ số USD Index đã tăng 0,39% lên 95,148 điểm.
Mặt khác, trái phiếu Mỹ trở nên hấp dẫn khi lãi suất trái phiếu từ 1,72%/năm vọt lên 1,75%/năm. Nhiều người tích cực thu gom USD để mua trái phiếu giúp USD tăng giá nhiều hơn nữa. Điều này càng khiến cho giá vàng suy yếu. Hiện mỗi ounce vàng thế giới chốt phiên cuối tuần tại 1.817 USD, thấp hơn 9 USD so với giá cùng thời điểm hôm qua.
Ông Philip Streible, chiến lược gia thị trường trưởng tại Blue Line Futures nhận định, vàng sẽ đóng vai trò như một vật giữ chỗ trong danh mục đầu tư của các nhà đầu tư cho đến khi vấn đề nền kinh tế trở nên rõ ràng hơn.
Do ảnh hưởng của giá vàng thế giới, thị trường vàng trong nước cũng theo đà đi xuống. Giá vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn điều chỉnh giảm 50.000 đồng ở chiều mua, hiện niêm yết tại 61 - 61,7 triệu đồng/lượng. Cùng lúc đó, vàng miếng SJC tại Doji cũng điều chỉnh giảm 50.000 đồng ở chiều mua, giao dịch tại 60,95 - 61,6 triệu đồng/lượng.
Ở thị trường ngoại hối, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố sáng nay ở mức 23.082 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 22.650 - 23.150 đồng/USD (mua vào - bán ra).
Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, tỷ giá giao dịch ghi nhận quanh mốc 22.960 - 23.200 đồng/USD. Trong khi đó, ngân hàng Vietinbank ghi nhận tỷ giá giao dịch 22.600 - 22.760 đồng/USD.