Giá vàng thế giới vừa có phiên giao dịch biến động trái chiều trong bối cảnh đồng USD tăng giá trên diện rộng và giá dầu thô giảm nhẹ về 100 USD/thùng.
Trước thông tin ngân hàng Nga bán hơn 1 tấn vàng trong tháng 3/2022, giá kim loại quý bất ngờ lao dốc từ 1.934 USD/ounce về 1.920 USD/ounce. Tuy nhiên, ngay sau đó, giá vàng lại bật tăng trở lại trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại rủi ro khi phương Tây tăng thêm biện pháp trừng phạt mới với Nga.
Cùng với việc thị trường chứng khoán quốc tế chìm trong sắc đỏ, giá kim loại quý đã giành lại 30 USD/ounce, vọt lên 1.950 USD/ounce, đánh dấu quý tăng mạnh nhất trong gần 2 năm. Ở mức giá này, nhiều nhà đầu cơ chuyên lướt sóng vàng đã nhanh tay bán thu về lợi nhuận, qua đó đẩy giá kim loại quý giảm nhẹ. Hiện mỗi ounce vàng niêm yết trên sàn Hong Kong giao dịch tại 1.938 USD.
"Tình hình căng thẳng địa chính trị kéo dài và dữ liệu lạm phát tiếp tục tăng thúc đẩy giới đầu tư tìm kiếm sự an toàn ở kim loại quý", chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures, ông Bob Haberkorn nhận định.
Bên cạnh đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng gợi ý về việc tăng lãi suất nhiều lần trong năm nay để kiểm soát lạm phát tăng vọt, qua đó tạo động lực giúp thị trường vàng thăng hoa.
Ở thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC điều chỉnh tăng nhẹ ở các cơ sở kinh doanh vàng. Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, vàng miếng SJC tăng 100.000 đồng ở cả hai chiều, niêm yết tại 68,25 - 68,97 triệu đồng/lượng.
Cùng lúc đó, vàng miếng SJC tại Doji niêm yết tại 68,2 - 68,9 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng ở chiều bán và tăng 300.000 đồng ở chiều mua.
Ở thị trường ngoại hối, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố sáng nay ở mức 23.095 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 22.550 - 23.050 đồng/USD (mua vào - bán ra).
Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, tỷ giá giao dịch ghi nhận quanh mốc 22.960 - 23.200 đồng/USD. Trong khi đó, ngân hàng Vietinbank ghi nhận tỷ giá giao dịch 22.600 - 22.760 đồng/USD.