Đơn hàng giảm
Một doanh nghiệp gỗ ở Bình Dương chuyên sản xuất các sản phẩm gỗ xuất sang thị trường Hoa Kỳ, châu Âu đang phải vật lộn với việc tìm đơn hàng mới. Nếu như mọi năm, khách hàng tự tìm đến công ty đặt hàng và doanh nghiệp chỉ việc sản xuất theo yêu cầu.
Nhưng nửa năm 2023 doanh nghiệp này có rất ít đơn hàng, các đơn vị trung gian thường vẫn đem đơn hàng đến đều trả lời “cứ chờ đã" và không đưa ra thời gian cụ thể. Do đó doanh nghiệp đành phải giảm lương, cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng để chờ.
Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành cũng đang chật vật khi doanh thu quý II giảm tới 38% và lỗ gần 28 tỷ đồng, lũy kế nửa đầu năm 2023 công ty lỗ 25 tỷ đồng.
Còn doanh nghiệp nắm 50% thị phần thị trường nội địa đối với ván gỗ công nghiệp (trung và cao cấp) là Công ty cổ phần gỗ An Cường cũng đối mặt với tình trạng doanh thu, lợi nhuận đều giảm. Cụ thể, nửa năm 2023, An Cường ghi nhận doanh thu 1.648 tỷ đồng, giảm 14%, lãi sau thuế giảm xuống 145 tỷ đồng.
Tuy nhiên ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cho biết, từ đầu quý III/2023 tình hình xuất khẩu gỗ đã có những tín hiệu phục hồi. Cụ thể, khi kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2023 đạt trên 1,1 tỷ USD sau thời gian sụt giảm.
Các doanh nghiệp ngành gỗ đang nhận được tương tác tích cực hơn từ đối tác mua hàng. Một số doanh nghiệp có đơn hàng mới và bắt đầu tổ chức cho công nhân tăng ca trở lại hoặc tuyển thêm lao động.
Dù vậy, ông Phương cũng nhận định từ nay đến cuối năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam chỉ có thể đạt khoảng 6 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong cả năm lên khoảng 14 - 14,5 tỷ USD, khó có thể đạt mục tiêu 17 tỷ USD như kế hoạch đã đề ra.
Chủ động tiếp cận khách hàng
Lý giải về việc các doanh nghiệp ngành gỗ gặp khó thời gian qua, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hawa cho rằng 18 năm qua ngành gỗ liên tục tăng trưởng 2 con số từ kim ngạch xuất khẩu 200 triệu USD năm 2004 lên 15,6 tỷ USD năm 2022.
Do ở trong vòng an toàn quá lâu nên các doanh nghiệp ngành gỗ đã phần nào ngủ quên trên chiến thắng nên những khó khăn vừa qua khiến họ bị rối.
Do đó, theo ông Khanh các doanh nghiệp Việt Nam trước đây thường nhận đơn hàng qua trung gian, tức là khách hàng tự tìm đến mình nhưng trong bối cảnh hiện nay cần chủ động đi tìm khách hàng.
Đơn cử như một doanh nghiệp thành viên của Hawa trong nửa năm 2023 liên tục nhận được trả lời của bên trung gian là “chờ đi sẽ có đơn hàng”, nhưng chờ mãi không thấy nên chủ doanh nghiệp này đã chủ động tham gia hội chợ và đến thăm ngay đối tác lâu nay vẫn mua hàng của mình.
Nhờ đó ông đã phát hiện ra nhiều sản phẩm doanh nghiệp mình có thể sản xuất được nhưng lâu nay khách hàng này không đặt vì họ nghĩ không làm được. Sau chuyến đi hội chợ đó doanh nghiệp này đã có đơn hàng đến hết tháng 11/2023.
Hay một số doanh nghiệp hiện nay đang tạo ra những sản phẩm khác biệt nên khá vũng về thị trường, giá bán. Người tiêu dùng họ đều hiểu rằng, công nghệ có giới hạn về xúc cảm nên những mặt hàng được làm bằng thủ công và có câu chuyện đằng sau đó thường đem lại sự khác biệt.
Bởi vì cây gỗ sẽ không có cây nào giống cây nào, khi linh hồn gỗ kết hợp với ý tưởng người thợ sẽ làm ra món hàng rất giá trị. Mặt hàng đó sẽ được ghi tên người thợ thiết kế là ai, thợ khắc gỗ là ai và khách hàng mua những sản phẩm gỗ có linh hồn.
Ngoài những vấn đề trên, ông Nguyễn Phương, Giám đốc công ty Minh Thành cho rằng các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thị trường mới.
“Tháng 5/2023, tôi đi tìm hiểu thị trường Dubai và ngỡ ngàng khi khách hàng họ hỏi Việt Nam là ở đâu. Điều này chứng tỏ chúng ta chưa làm tốt việc quảng bá, tiếp cận thị trường Trung Đông. Đây là thị trường ngách nhưng doanh nghiệp nào làm sẽ trở thành thị trường chính”, ông Phương nói.
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, ông Trần Sĩ Chương nhận thấy các doanh nghiệp ngành gỗ đa phần đang thiếu hệ thống quản trị chiến lược. Trong bối cảnh hiện nay phải có chiến lược xuyên suốt, không phải 5 năm hay 10 năm mà là chiến lược linh hoạt thay thế được khi vấp phải rào cản.
Rào cản ở đây theo ông Chương không chỉ các biện pháp phòng vệ thương mại, xu hướng hiện nay không chỉ cạnh tranh về giá mà còn các yêu cầu kỹ thuật như thương hiệu, chất lượng, các chứng chỉ xanh…
Chuyển đổi xanh là chìa khoá
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho rằng, các doanh nghiệp ngành gỗ đang đi vào con đường như các doanh nghiệp dệt may.
Cụ thể, tháng 12/2022 trong khi các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không có đơn hàng năm 2023 thì doanh nghiệp dệt may Bangladesh trả hàng không kịp, dù đã cho công nhận tăng ca.
Khi Ban IV làm việc với đại sứ Việt Nam ở Mỹ thì được cho biết chỉ trong mấy tháng thị phần dệt may của Bangladesh tại thị trường Mỹ tăng 54%. Còn đại sứ Việt Nam tại Canada cho biết, một hội chợ quốc tế về dệt may vừa được tổ chức, Bangladesh đưa sang vài trăm công ty và họ đều mang theo chứng chỉ bền vững do Mỹ cấp trong khi Việt Nam chỉ có một doanh nghiệp tham gia.
Từ những thông tin đó, đại sứ Việt Nam ở Bangladesh đã làm một báo cáo, trong đó cho biết các doanh nghiệp dệt may Bangladesh đã theo đuổi chứng chỉ xanh từ những năm 2014 và khi họ thắng rực rỡ trên thương trường rồi các doanh nghiệp Việt mới vỡ lẽ.
Do đó, theo bà Thuỷ các doanh nghiệp ngành gỗ nên lấy đó làm bài học và phải trang bị cho mình những chứng chỉ xanh cần thiết.
Còn ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh và hội nhập toàn cầu (GIBC) cho rằng các sản phẩm ngành gỗ hiện nay không chỉ cạnh tranh về giá mà cả nơi xuất.
Nếu một sản phẩm cùng chất lượng, cùng giá nhưng không xuất xứ từ một nơi xanh thì sự cạnh tranh cũng giảm đi.
“Ngành gỗ vẫn còn nhiều dư địa phát triển nhưng hành vi tiêu dùng đang thay đổi theo hướng xanh và đây là cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam. Do đó ngành gỗ cần chuẩn bị để nắm bắt cơ hội, tìm lại vị thế”, ông Trai nhận định.