Ngày pháp luật

Ngành công nghiệp hỗ trợ gặp khó về nguồn nhân lực

Hoàng Tú

Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng với khoảng 54% dân số ở độ tuổi lao động. Tuy nhiên, nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, có tay nghề cao hiện nay còn hạn chế cả về số lượng và trình độ, là trở ngại lớn của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ.

Thiếu hụt nhân lực tay nghề cao

Ông Cao Văn Bình - Quyền Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhận định, nguồn nhân lực hiện nay là yếu tố quan trọng đối với việc cải thiện chất lượng sản phẩm, do vậy, phát triển nguồn nhân lực là vấn đề rất quan trọng trong sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT).

Việc thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và tay nghề cao đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) tốn không ít nguồn lực, chi phí vì sau khi tuyển dụng xong thì phải gần như đào tạo lại để phù hợp với trình độ chuyên môn và mục tiêu sản xuất kinh doanh của DN.

Ông Bình đánh giá, số lượng lao động có tay nghề cao trong ngành CNHT hiện nay rất hạn chế so với nhu cầu của ngành. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực có tay nghề cao trong các ngành này tại Việt Nam thấp hơn so với các nước phát triển khác. Đào tạo ngành kỹ sư chế tạo ở các trường đại học, cao đẳng cũng thường ít hơn các ngành khác; Nhiều DN trong nước chưa gắn kế hoạch phát triển nguồn nhân lực với các trường đại học, cao đẳng nên có sự thiếu hụt về nhân lực có tay nghề cao, không chủ động nguồn nhân lực.

Ông Lê Quý Thành - Giám đốc Nhà máy TOMECO An Khang cho biết, phải khẳng định, ngành CNHT có tính chuỗi và tính hệ thống, tính chuyên nghiệp rất cao. Vì vậy các nhân sự làm việc trong ngành này ngoài những kiến thức chuyên môn thì cũng rất cần những am hiểu về hệ thống, về quy trình, từ những quy trình, tiêu chuẩn rất phổ biến hiện nay như ISO 9001, ISO 14001… Trong mỗi ngành sẽ có những tiêu chuẩn riêng mà yêu cầu mọi nhân sự trong hệ thống, trong DN phải có những nắm bắt nhất định về các tiêu chuẩn và hệ thống đó.

Đáng chú ý, ông Thành cho rằng, mỗi cá nhân làm việc trong DN CNHT đều phải đặt mình vào bối cảnh rộng lớn hơn. “Đừng nghĩ mình chỉ làm việc ở một phòng ban, một công ty mà còn tham gia vào chuỗi giá trị của cả một hệ thống. Nếu ý thức được như vậy, chắc chắn mỗi kỹ sư, người lao động sẽ tìm cách để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN. Chưa kể, trong ngành CNHT, mỗi công việc của mỗi nhân sự trong công ty thì ngoài việc đánh giá bởi những người quản lý trực tiếp hay ban lãnh đạo công ty thì luôn luôn có sự kiểm tra, đánh giá từ rất nhiều bên trong chuỗi, ví dụ như từ khách hàng, từ đội ngũ đánh giá viên, từ các công ty bên thứ ba” - ông Thành chia sẻ.

Gắn kết giữa đào tạo và cung ứng lao động

Ông Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội khẳng định, nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt có thể quyết định đến sự thành công của việc phát triển ngành công nghiệp nói chung và CNHT nói riêng. Do đó, để phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao cho CNHT thì trong các chính sách, chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển không chỉ có những ưu tiên, các chính sách ưu đãi thuế… mà còn cần có những vấn đề phát triển nguồn nhân lực cho CNHT.

“Trong khả năng của mình, chúng tôi luôn phải tích cực và chủ động trong việc liên kết, hợp tác với DN ngay từ khâu thiết kế, xây dựng nội dung chương trình và điều chỉnh chương trình đào tạo, điều chỉnh quy mô. Hàng năm trường phải lấy ý kiến DN xem DN có gì thay đổi hay không. Nếu như DN có nhu cầu lao động ít đi hay là tỷ lệ sinh viên có việc làm năm nay khảo sát có hiện tượng giảm đi thì chúng tôi cũng phải giảm quy mô tuyển sinh. Hoặc là DN cần những năng lực gì ở từng vị trí việc làm thì mình cũng phải lồng ghép các yêu cầu đấy vào chuẩn đầu ra của chương trình” - ông Thực nói.

Ông Lê Quý Thành cũng cho rằng, các chương trình đào tạo cho các DN CNHT hiện nay cần phải đưa thêm đối tượng sinh viên hoặc những người lao động trực tiếp tại DN tham gia cùng. “Tôi thấy dấu hiệu rất tốt khi có sự tham gia của các DN đầu chuỗi trong quá trình đào tạo, như Honda, Yamaha, Panasonic... Tuy nhiên, các chương trình này mới được áp dụng cho các lãnh đạo cấp cao và cấp trung. Do đó, tôi hy vọng sinh viên hoặc những người lao động trực tiếp tại DN cũng sẽ được tham gia vào các chương trình này” - ông Thành kiến nghị.

Ông Cao Văn Bình thì cho rằng thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh việc gắn kết đào tạo và cung ứng lao động. DN cần tự nâng cao ý thức trong phát triển nguồn nhân lực, có định hướng trong thu hút nhân tài và phát triển nhân lực chất lượng cao. “Những giải pháp chủ động từ phía DN hay nâng cao sự phối hợp giữa DN với cơ sở đào tạo đã cho thấy hiệu quả và hy vọng rằng sẽ tiếp tục phát huy trong phát triển nguồn nhân lực, đem lại những giá trị hữu ích cho phát triển ngành CNHT trong thời gian tới” - ông Bình kỳ vọng.

Tin Cùng Chuyên Mục