Theo công ty đầu tư mạo hiểm Atomico, ngành công nghệ châu Âu đã mất hơn 400 tỷ USD giá trị trong năm nay.
Báo cáo thường niên “Thực trạng công nghệ châu Âu” do công ty công bố ngày 5/12 cho thấy tổng giá trị thị trường của các công ty công nghệ tư nhân và nhà nước ở châu Âu đã giảm từ mức đỉnh là 3.100 tỷ USD vào cuối năm 2021 xuống còn 2.700 tỷ USD.
Khó khăn bao trùm ngành công nghệ trong năm qua khi giá cổ phiếu của hàng loạt công ty có giá trị cao liên tục chịu áp lực từ yếu tố toàn cầu. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương khác đang đẩy mạnh lãi suất, đồng thời siết chặt chính sách ưu đãi như thời đại dịch nhằm ngăn chặn lạm phát tăng vọt. Động thái này khiến nhiều nhà đầu tư rút lui khỏi lĩnh vực công nghệ của châu Âu.
Giá trị thị trường của các công ty công nghệ sụt giảm mạnh, điển hình là Klarna, tập đoàn cung cấp dịch vụ mua trước - trả sau (buy now – pay later) của Thuỵ Điển. Vốn hóa của Klarna đã giảm 85%, từ mức 45,6 tỷ USD xuống còn 6,7 tỷ USD. Ngoài ra, cổ phiếu của Spotify, ứng dụng nghe nhạc trực tuyến cũng giảm hơn 60% kể từ đầu năm 2022.
Báo cáo của Atomico dựa trên dữ liệu định lượng và khảo sát ở 41 quốc gia cũng đưa ra dự đoán dòng vốn đầu tư mạo hiểm rót vào startup công nghệ châu Âu có thể chỉ còn 85 tỷ USD trong năm 2022, giảm 18% so với năm trước.
Tuy nhiên, cho đến nay đây vẫn là số tiền cao thứ 2 từng được đầu tư vào hệ sinh thái công nghệ châu Âu. Năm ngoái, mức đầu tư đã phá vỡ kỷ lục khi có sự tham gia của các nhà đầu tư Mỹ. Năm nay, phần lớn nhà đầu tư nước ngoài đã rút lui khỏi thị trường. Đồng thời, số lượng nhà đầu tư lớn tại Mỹ tham gia các vòng gọi vốn có quy mô trên 100 triệu USD giảm 22%.
Tom Wehmeier, một đối tác tại Atomico cho biết: “Môi trường vốn hiện tại thanh khoản ít hơn. Thị trường đang chuyển từ giai đoạn có nguồn vốn dồi dào của năm 2021 sang giai đoạn khó huy động vốn và chi phí tăng cao hơn.”
Thị trường "ảm đạm" từ nửa cuối năm 2022
Công ty Atomico cho biết trong nửa đầu năm 2022, lĩnh vực công nghệ của châu Âu vẫn bùng nổ với mức đầu tư cao hơn 4% so với cùng thời điểm của năm 2021. Tuy nhiên, thị trường bắt đầu chậm lại từ tháng 7 và tiếp đà "giảm tốc" trong tháng 8, tháng 9. Kể từ đó, vốn đầu tư trung bình hàng tháng chỉ còn khoảng 3 - 5 tỷ USD, tương đương với năm 2018.
Tốc độ "sản sinh" kỳ lân (startup định giá trên 1 tỷ USD) cũng chậm lai, giảm từ 105 công ty của năm ngoái xuống còn 31 công ty trong năm nay.
Ngoài ra, thị trường công cũng gần như đã bốc hơi hoàn toàn. Năm 2022, chỉ có ba đợt IPO công nghệ lớn với mức vốn hóa thị trường từ 1 tỷ USD trở lên diễn ra trên toàn cầu, hai trong số đó diễn ra ở châu Âu. Trong khi đó, chỉ một năm trước đó từng có đến 86 đợt IPO lớn.
Chưa dừng lại ở đó, ngành công nghệ của khu vực còn bị bao trùm bởi làn sóng sa thải. Các công ty có trụ sở tại châu Âu đã sa thải hơn 14.000 nhân viên trong năm nay, chiếm 7% tổng số lượt sa thải trên toàn cầu.
Tuy nhiên, không phải tất cả nhà đầu tư đều hết hy vọng đối với thị trường. Per Roman, một đối tác tại GP Bullhound, vẫn lạc quan về triển vọng trong một số lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng và công nghệ môi trường.
"Còn rất nhiều mặt tích cực. Thị trường phần mềm và internet đang được định giá lại trong năm 2022. Ngày nay, các phần mềm đang vận hành thế giới của chúng ta từ bệnh viện, trường học cho đến công trường xây dựng. Do đó, thị trường này vẫn sẽ phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ tới", ông Roman cho biết.