Bộ Tài chính cho biết, các nhiệm vụ chi ngân sách được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách, lũy kế chi ngân sách nhà nước 8 tháng năm 2021 ước đạt 918.100 tỷ đồng, bằng 54,4% dự toán.
Đặc biệt, cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí chi cho phòng, chống dịch Covid-19. Tính đến hết tháng 8, ngân sách nhà nước đã chi 18.800 tỷ đồng gồm 17.200 tỷ đồng cho phòng chống dịch và 1.600 tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trong số đó, trung ương đã chi 10.700 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 để bổ sung kinh phí phòng, chống dịch Covid-19; chi 5.100 tỷ đồng mua vắc xin phòng Covid-19 từ nguồn tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2020 chuyển sang; các địa phương đã chi 3.000 tỷ đồng cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất Quỹ vắc xin phòng Covid-19 là 2.550 tỷ đồng để mua vắc xin.
Bên cạnh đó, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị đã xuất cấp vật tư, trang thiết bị dự trữ quốc gia cho phòng, chống dịch, xuất cấp 74.300 tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ cho nhân dân trong dịp Tết, giáp hạt đầu năm và một số địa phương bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Thực hiện Quyết định số 1415 ngày 20/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất cấp 130.000 tấn gạo dự trữ quốc gia cho 24 địa phương để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính đã xuất cấp 52.000 tấn gạo; đồng thời phối hợp với các địa phương xác định nhu cầu cụ thể để xuất cấp cho người dân đảm bảo không quá số lượng Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Về thu ngân sách, Bộ Tài chính cho biết, 8 tháng của năm 2021, thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 1.000 nghìn tỷ đồng, bằng 74,8% dự toán, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự kiến sẽ ảnh hưởng đến số thu ngân sách trong các tháng tới.
Theo Bộ Tài chính, thu nội địa ước đạt 820.400 tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán, tăng 12% so cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 đạt 57,9% dự toán, giảm 9,9%). Thu từ dầu thô ước đạt 25.700 tỷ đồng, bằng 111% dự toán, tăng 0,9% so cùng kỳ. Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 157.500 tỷ đồng, bằng 88,2% dự toán, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Ước tính 54/63 địa phương có thu nội địa đạt trên 67% dự toán; trong đó có 47 địa phương thu đạt trên 70% dự toán như Hà Nam, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế, Bắc Giang, Quảng Trị, Đồng Nai…; 51 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ....
Có 8 địa phương có tiến độ thu dự toán đạt thấp là Bắc Kạn 65,2%; Đồng Tháp 65,1%; Kiên Giang 63,3%; Sơn La 63,3%; Cần Thơ 62,4%; Đà Nẵng 61,2%; Tiền Giang 58,6% và Hoà Bình 57,8%.