Ngày pháp luật

Ngân hàng Việt Nam: Những bước tiến vượt thời gian

Từ chỉ có 4 ngân hàng Thương mại Nhà nước, đến nay Việt Nam đã phát triển hàng chục ngân hàng thương mại cổ phần. Đây là một bước tiến mạnh mẽ cả về chất và lượng của hệ thống ngân hàng, góp phần mang đến một luồng sinh khí mới cho nền kinh tế ổn định và phát triển. Cuộc trao đổi sau đây với TS.Nguyễn Trí Hiếu – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản Toàn cầu càng cho chúng ta thấy rõ hơn về những thành tựu này của ngành!

TS.Nguyễn Trí Hiếu – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản Toàn cầu.
TS.Nguyễn Trí Hiếu – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản Toàn cầu.

Những bước nhảy vọt…

Theo nhận định của chuyên gia Tài chính – Ngân hàng - TS.Nguyễn Trí Hiếu: Trong 45 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã đi từ con số âm đến một sự phát triển vượt bậc, khi chúng ta tiến gần hơn đến những nước phát triển như: Thái Lan, Indonexia, Malaysia… Hiện tại, nền kinh tế Việt Nam đang ở mức các nước có mức thu nhập trung bình, nhưng ở mức thấp trong nhóm có thu nhập trung bình. Trong 10 năm tới, chúng ta phải vươn lên trong nhóm có thu nhập cao trong nhóm có thu nhập trung bình và từ nhóm có thu nhập trung bình lên nhóm có thu nhập cao, thuộc những nước công nghiệp.

Mục tiêu hướng tới của Việt Nam là phấn đấu năm 2045 trở thành nước phát triển. Có thể nói 45 năm qua chúng ta đã có một bước nhảy vọt, từ một nước có nền kinh tế èo ọt, sau khi đất nước thống nhất đến một nền kinh tế phát triển như hiện nay. Hiện, GDP của chúng ta ở mức 480 tỷ USD cả nước, tính theo đầu người khoảng 4.800USD/người/năm. Với mức đó, chúng ta vẫn ở trong số nửa dưới của thế giới, trong khi các nước xung quanh chúng ta như: Thái Lan, Singapore… mức thu nhập trên đầu người của họ ít nhất gấp đôi Việt Nam. Mặc dù chúng ta đã có bước nhảy vọt, nhưng con đường trước mắt của vẫn còn rất dài để tiến lên một nền kinh tế phát triển (developed countries).

“Những năm 1990 - 1991, khi tôi trở về Việt Nam, khi đến Hà Nội, tôi thấy người dân phần lớn đi xe đạp, cả Hà Nội mới chỉ có duy nhất Khách sạn Thắng Lợi sang trọng dành cho người nước ngoài ở. Hiện, chúng ta có hàng trăm khách sạn, có hệ thống ngân hàng hiện đại với 49 ngân hàng thương mại, các chi nhánh và văn phòng đại diện của ngân hàng nước ngoài. Nền kinh tế Việt Nam hiện phát triển rất mạnh, nhưng như tôi đã nói: Chúng ta phải trở thành nước có thu nhập cao trong nhóm có thu nhập trung bình. Và GDP trên đầu người của chúng ta phải ở mức 10.000USD, thay vì gần 5.000USD như hiện nay!”.

Sự thay đổi tư duy của Nhà nước trong việc phát triển hệ thống ngân hàng theo hướng thị trường, quản lý ngoại hối, chống đôla hóa nền kinh tế trong gần 30 năm qua đã giúp chúng ta đẩy nhanh sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Đâu là bước ngoặt đáng nhớ và con số mà TS ấn tượng nhất? Vì sao, thưa TS?

Có thể nói, các chính sách của Ngân hàng Nhà nước rất linh hoạt. Ngày xưa, khi mới về Việt Nam, tôi đi thăm các ngân hàng và thấy rằng: Chủ yếu các hoạt động của ngân hàng chỉ để chi trả tiền mặt, vì lúc đó chúng ta chủ yếu là nền kinh tế tiền mặt. Hiện nay, chúng ta không chỉ không dùng tiền mặt, tiền điện tử mà còn đi vào các công nghệ mới với AI, trí tuệ nhân tạo…

Hệ thống ngân hàng đã có sự thay đổi vượt bậc, phục vụ tới 80% người dân Việt Nam. Trong đó có tới 60% người đã có tài khoản ngân hàng; Các ngân hàng sử dụng công nghệ mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Các ngân hàng cũng đã áp dụng thanh toán quốc tế, rồi có các đại lý, giao dịch xuyên biên giới, không chỉ trong lĩnh vực tín dụng, mà rất nhiều quan hệ, giao dịch quốc tế khác.

Riêng đối với Ngân hàng Nhà nước, tôi thấy có sự thay đổi lớn về hoạt động thanh tra. Trước kia, Ngân hàng Nhà nước chủ yếu chỉ thanh kiểm tra về tính tuân thủ, xem các ngân hàng có tuân thủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng không, thì ngày nay Ngân hàng Nhà nước tiến hành thanh kiểm tra về các mặt hoạt động, đặc biệt thanh kiểm tra các chỉ số về: Vốn, chất lượng tài sản, quản trị, thanh khoản, rủi ro thị trường. Hiện, các ngân hàng cũng đã cải tiến các hoạt động rất nhiều. Cách đây khoảng hơn chục năm, chúng ta vẫn có những ngân hàng yếu kém, thì giờ các ngân hàng này đã được chuyển giao cho các ngân hàng mạnh hơn, chỉ còn tồn tại một số ít. Nhưng tôi tin rằng, với những nỗ lực của ngành, các ngân hàng sẽ dần đi vào ổn định và phát triển.

Quản trị để vươn cao!

Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình. Theo TS, ngành Tài chính - Ngân hàng cần phải làm gì để thực sự đổi mới, đóng góp tối ưu cho nền kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới?

Điều đầu tiên mà các các ngân hàng phải lưu ý là quản trị về mặt rủi ro. Các ngân hàng chỉ có thể hoạt động và phát triển mạnh mẽ khi quản trị được rủi ro. Hiện, vấn đề nợ xấu của Việt Nam đang rất cao. 

Thực tế, Chính phủ cũng đã có các giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ ngân hàng giải quyết nợ xấu. Và 15 năm qua, vấn nạn này đã được giải quyết nhưng chưa dứt điểm đến thời điểm này. Đặc biệt, tình trạng nợ xấu đang có chiều hướng gia tăng do những khó khăn của nền kinh tế. Bởi vậy, thời điểm này là lúc các ngân hàng phải giải quyết triệt để tình trạng này bằng việc áp dụng các quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Với những quy định mới, công cụ mới, vẫn đề xử lý nợ xấu sẽ được tiến hành rốt ráo hơn. Và đó là nền tảng để nền kinh tế Việt Nam cất cánh, phát triển.

Các ngân hàng cũng đã áp dụng Basel II về quản trị rủi ro. Tuy nhiên, sau 10 năm áp dụng Basel II, Ngân hàng Nhà nước chưa công bố kết quả thực hiên việc áp dụng Basel II và việc kiểm soát và xử lý rủi ro trong hoạt động các ngân hàng đã tiến bộ ra sao trong vòng 10 năm qua. Một cuộc thanh tra tất cả các ngân hàng riêng cho việc áp dụng Basel II cần phải được thực hiện trong năm 2025 và kết quả cần phải được công bố rộng rãi để các nhà quản lý và các thành phần kinh tế có cơ sở để thẩm định mức độ rủi ro của toàn hệ thống ngân hàng.

Đảng và Nhà nước luôn coi trọng khối doanh nghiệp tư nhân, cũng như tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn tài chính từ phía ngân hàng. Nhưng dường như cơ chế, chính sách vẫn cản trở họ đến với các nguồn vốn vay. Đâu là lời khuyên ông đưa ra trong câu chuyện kết nối Doanh nghiệp – Nhà nước – Ngân hàng?

Đúng là đội ngũ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi các doanh nghiệp lớn có các ưu thế, ưu đãi của họ thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại gặp rất nhiều bất lợi và chỉ khoảng 30% các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận vốn vay của ngân hàng. Theo tôi biết, Chính phủ đã và đang cố gắng đưa ra các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng có một vấn đề mà chúng tôi đã kiến nghị từ lâu nhưng vẫn chưa thực hiện được, đó là phải nâng cấp các quỹ Bảo lãnh tín dụng.

Quỹ Bảo lãnh tín dụng này sẽ bảo lãnh cho các ngân hàng và ngân hàng sẽ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn để kinh doanh. Đây cũng là hình thức mà Chính phủ các nước trên thế giới đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. VD: Ở Mỹ, cơ quan bão lãnh tín dụng được gọi là Small Business Administration (SBA) sẽ đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp đến ngân hàng vay tiền. Việt Nam cũng đã manh nha thành lập quỹ này nhưng là quỹ Bảo lãnh tín dụng địa phương theo Nghị định 34/2018/NĐ-CP, nhưng quỹ này rất nhỏ nhoi, vốn điều lệ ít và có rất nhiều hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong quá trình hoạt động.

Theo tôi, cần thiết phải nâng cấp quỹ Bảo lãnh tín dụng lên cấp Trung ương đặt tại Hà Nội và có các chi nhánh khắp cả nước và nhất là phải được cấp vốn điều lệ lên đến khoảng 5.000 - 10.000 tỷ đồng, để bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đến vay tiền các ngân hàng, vì phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều không có tài sản bảo đảm, báo cáo tài chính thì thiếu sót. Bởi vậy, nếu không có Quỹ Bảo lãnh tín dụng đứng ra bảo lãnh thì các doanh nghiệp sẽ khó lòng vay được vốn kinh doanh, làm ăn và phát triển.

Trân trọng cảm ơn TS về cuộc trao đổi!

 

Trong 45 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã đi từ con số âm đến một sự phát triển vượt bậc, khi chúng ta tiến gần hơn đến những nước phát triển như: Thái Lan; Indonexia, Malaysia… Điều đầu tiên mà các các ngân hàng phải lưu ý là quản trị về mặt rủi ro. Các ngân hàng chỉ có thể hoạt động và phát triển mạnh mẽ khi quản trị được rủi ro.”

TS.Nguyễn Trí Hiếu – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản Toàn cầu

Tin Cùng Chuyên Mục