Ngân hàng Quân Đội (MB) vừa công bố Báo cáo tài chính quý III với lợi nhuận đứng đầu top ngân hàng thương mại cổ phần, nhưng rủi ro tín dụng vẫn tiếp tục tăng mạnh trong khi nhiều nhà băng khác bắt đầu đi ngang.
Trong quý III, các cấu phần hoạt động chính của MB đều tăng trưởng, nhưng áp lực từ chi phí vẫn đang lộ rõ. Ngân hàng này ghi nhận hơn 9.800 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập từ lãi tăng hơn 30%, còn chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự tăng gần gấp đôi cùng kỳ.
Các hoạt động khác, như dịch vụ tăng hơn 20%, lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư cũng cao hơn cùng kỳ. Kết quả này giúp thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận hơn 8.700 tỷ đồng, tăng hơn 20%.
Dù vậy, chi phí trích lập dự phòng tăng cao khiến lợi nhuận trước thuế chỉ còn tăng hơn 15%, ở mức gần 7.300 tỷ đồng. Trong quý III, MB trích lập hơn 1.400 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro, so với mức 961 tỷ cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng, MB lãi trước thuế hơn 20.000 tỷ đồng, trở thành ngân hàng đứng đầu trong nhóm nhà băng tư nhân và tăng hơn 10% so với năm trước.
Trái ngược với tăng trưởng cao về kết quả kinh doanh, việc quản lý rủi ro tín dụng của MB đang cho thấy nhiều vấn đề.
Đến cuối quý III, tổng nợ xấu từ hoạt động cho vay của MB (nợ nhóm 3-5) ghi nhận hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 35% so với quý II và hơn gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2022. Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3), với quy mô hơn 4.400 tỷ đồng, tăng 56% so với quý II và gấp gần ba lần thời điểm cuối năm 2022. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) của MB cũng tăng 37% trong ba tháng gần nhất.
Tại thời điểm kết thúc quý III, tỷ lệ nợ xấu (nợ nhóm 3-5) trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của MB ở mức gần 1,9%, so với mức chỉ hơn 1% vào đầu năm nay.