Báo cáo tài chính riêng ngân hàng mẹ quý IV/2020 của các ngân hàng cho thấy cùng với việc tăng trưởng kết quả kinh doanh trong năm, nhiều ngân hàng cũng tăng mạnh chi phí cho nhân viên của mình. Hiện tại, khoản chi phí cho nhân viên tại hầu hết ngân hàng đang chiếm đa số trong tổng chi phí hoạt động hàng năm.
Trong năm 2020, Techcombank là ngân hàng bạo chi nhất cho khoản thu nhập bình quân nhân viên với tổng quỹ lương và thu nhập khác đạt trên 4.800 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2019. Với số lượng nhân viên bình quân trong năm khoảng 10.844 người, mỗi nhân viên tại ngân hàng này năm qua được chi trả mức thu nhập lên tới 37 triệu đồng/tháng, tương đương 444 triệu/năm. Số thu nhập bình quân này đã tăng gần 6% so với năm liền trước.
Thậm chí, nếu tính trên báo cáo tài chính hợp nhất, thu nhập bình quân nhân viên Techcombank và các công ty con năm vừa qua lên tới 38 triệu/tháng.
Hiện tại, Techcombank có 3 công ty con gồm Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS); Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai tác tài sản và Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Kỹ thương. Tổng số nhân viên tại 3 công ty con này trong năm qua khoảng 635 người và được chi trả quỹ thu nhập hơn 370 tỷ. Tạm tính, mỗi nhân viên công ty con của Techcombank năm vừa qua nhận về mức thu nhập 48,6 triệu đồng/tháng.
Với mức thu nhập kể trên, nhân viên tại Techcombank và các công ty con cũng là nhóm có thu nhập bình quân cao nhất trong khối ngân hàng năm vừa qua.
Tại Vietcombank, do thuộc nhóm ngân hàng có dư nợ chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch Covid-19, quỹ thu nhập nhân viên của nhà băng này năm qua đã sụt giảm hơn 2%, tương đương gần 160 tỷ đồng bất chấp việc nhân sự tăng hơn 1.000 người.
Xu hướng này khiến thu nhập bình quân nhân viên tại Vietcombank năm qua chỉ ở mức 31,9 triệu đồng/tháng, thấp hơn nhiều so với mức 34,5 triệu đồng năm liền trước.
Một nhà băng khác cũng ghi nhận thu nhập bình quân nhân viên sụt giảm nhưng vẫn đạt trên 30 triệu/tháng năm vừa qua là MBBank. Cụ thể, quỹ thu nhập của nhà băng này năm qua đã giảm gần 8%, tương đương mức giảm ròng hơn 300 tỷ. Tuy nhiên, quy mô nhân sự của ngân hàng cũng giảm hàng trăm vị trí nên thu nhập bình quân nhân viên tại đây vẫn đạt mức 31,4 triệu/tháng. So với năm 2019, mức thu nhập kể trên của nhân viên MBBank đã giảm hơn 2,5 triệu/tháng, tương đương giảm 7%.
Năm 2020 ghi nhận thêm một nhà băng gia nhập nhóm chi cho nhân viên trên 30 triệu đồng/tháng là VIB.
Cụ thể, với 7.762 cán bộ, công nhân viên hoạt động tại ngân hàng mẹ năm qua, tăng gần 1.600 vị trí so với năm liền trước, VIB là một trong những ngân hàng tuyển thêm nhiều nhân sự nhất năm 2020.
Về mức chi lương, nhà băng này đã nâng quỹ thu nhập chi cho nhân viên lên 2.826 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm trước. Điều này đã giúp thu nhập bình quân nhân viên VIB năm 2020 tăng lên mức 30,7 triệu đồng/tháng, cao hơn 4,3 triệu so với mức bình quân năm 2019, tương đương mức tăng 16%.
Nếu tính trên số toàn hệ thống ngân hàng và công ty con, thu nhập bình quân của nhân viên VIB cũng lên tới 30,5 triệu/tháng, trong khi năm trước mới là 26,2 triệu đồng.
Đáng chú ý nhất năm 2020 vừa qua ở chỉ tiêu thu nhập bình quân nhân viên là ngân hàng OCB.
Nếu tính riêng 3 tháng cuối năm 2020, nhà băng này đã chi trả mức thu nhập bình quân cho nhân viên lên tới 35,2 triệu đồng/tháng, tăng hơn gấp đôi so với mức chi 14,3 triệu đồng quý IV/2019.
Theo đó, dù số lượng nhân sự đến cuối năm 2020 của ngân hàng chỉ tăng vài chục chỉ tiêu nhưng quỹ thu nhập quý IV/2020 đã tăng tới 150% so với cùng kỳ. Kết quả này giúp OCB trở thành một trong những ngân hàng bạo chi nhất cho nhân viên riêng quý cuối năm 2020.
Tính chung cả năm, thu nhập bình quân của nhân viên OCB cũng đạt 29,9 triệu đồng/tháng, tăng gần 8 triệu đồng so với năm liền trước.
Ngoài OCB, nhiều ngân hàng hiện cũng chấp nhận chi trả mức thu nhập bình quân nhân viên gần 30 triệu đồng/tháng như ACB (29,3 triệu); VPBank (28,1 triệu); BIDV (27,9 triệu). Trong khi đó, nhân sự tại hàng loạt ngân hàng thương mại hiện đều có mức thu nhập bình quân trên nghìn USD/tháng như VietinBank, BacABank, HDBank, MSB, SeABank, SHB, Sacombank, TPBank…
Link bài gốc