Ngày pháp luật

Ngân hàng lãi nghìn tỷ nhờ chuyển hướng dịch vụ

Theo Tú Uyên/VnEcomy

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của nhiều ngân hàng lần lượt được công bố trong thời gian gần đây đã hé lộ mức lãi "khủng" với hàng nghìn tỷ đồng...

Dù nguồn thu chính của các ngân hàng vẫn tới từ lãi thuần nhưng tỷ lệ này đã được thu hẹp, thay vào đó là mảng dịch vụ đã và đang đóng góp tích cực vào cơ cấu lợi nhuận của các ngân hàng.

Ngân hàng lãi nghìn tỷ nhờ chuyển hướng dịch vụ - Ảnh 1

 

Đồng loạt báo lãi nghìn tỷ

Dẫn đầu là ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với con số lãi trước thuế lên đến 11.280 tỷ đồng, tăng 40,7% so với cùng kỳ 2018 và hoàn thành 55% kế hoạch năm. Thu hồi nợ ngoại bảng đạt 1.942 tỷ đồng, hoàn thành 55,5% kế hoạch năm 2019 và dư nợ tín dụng sau 6 tháng tăng 9,7%.

Mới đây, ngân hàng Quân Đội (MB) công bố lãi trước thuế của riêng ngân hàng đạt 4.306 tỷ đồng, hoàn thành 50,5% kế hoạch năm, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng ghi nhận con số lãi nghìn tỷ trong nửa đầu năm. Cụ thể, ACB cho biết tổng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 3.600 tỷ đồng, hoàn thành 50% chỉ tiêu cả năm 2019 là 7.200 tỷ đồng.

Cũng lãi nghìn tỷ nhưng ở con số thấp hơn phải kể đến một số ngân hàng như ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB), ngân hàng Tiên Phong (TPBank), hay ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Cụ thể, VIB ghi nhận lãi trước thuế 6 tháng ở mức 1.820 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ và hoàn thành 54% kế hoạch năm; TPBank ước lãi trước thuế 1.620 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ và tương đương 50,6% kế hoạch 2019; Sacombank cũng đạt gần 1.500 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng gấp rưỡi cùng kỳ và hoàn thành 55% kế hoạch cả năm.

Mới đây nhất, Ngân hàng An Bình (ABBank) cũng công bố thu nhập từ lãi thuần 6 tháng đạt hơn 1.266 tỷ đồng, tương đương 120,8% so với cùng kỳ 2018. Khiêm tốn ở mức thấp có ngân hàng Việt Nam Thương Tín (Vietbank) và ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank) với mức lãi lần lượt 250 tỷ và 148,5 tỷ đồng, cùng tăng so với cùng kỳ.

Lãi lớn nhờ chuyển hướng kinh doanh

Sở dĩ nhiều ngân hàng hoàn thành nửa kế hoạch lợi nhuận cả năm 2019 chủ yếu nhờ tín dụng tăng trưởng tích cực và kiểm soát tốt nợ xấu trong 6 tháng đầu năm.

Chẳng hạn, tại TPBank, tính đến 31/6/2019, dư nợ cho vay đạt 95.400 tỷ đồng, tăng 13%; tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,47%. Tại ACB, tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản đạt 352.000 tỷ đồng; tăng trưởng tín dụng và tiền gửi lần lượt là 9% và 7%; tỷ lệ nợ xấu là 0,7%. Tại VIB, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ 2,29% xuống 1,8%.

Với Sacombank, trong nửa đầu năm 2019, huy động từ tổ chức kinh tế, dân cư đạt gần 398.000 tỷ đồng, cho vay đạt hơn 279.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,11% xuống 1,96%. Đáng chú ý là Ngân hàng này đã tăng cường thu hồi nợ xấu và tài sản tồn đọng với hơn 11.000 tỷ đồng đã xử lý trong 6 tháng đầu năm. Lũy kế từ khi triển khai Đề án đến nay, Sacombank đã thu hồi được gần 35.700 tỷ đồng nợ xấu.

Việc tín dụng tăng trưởng cao, nợ xấu giảm và hoàn thành Basel 2 trước hạn, một số ngân hàng mới đây được Ngân hàng Nhà nước nới thêm room tín dụng. Cụ thể, ACB cho biết room tín dụng của ngân hàng năm nay đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép nâng lên mức 17%, tăng thêm 4% sau khi đạt chuẩn Basel 2; VPBank được nâng từ 12% lên 16%, Techcombank từ 13% lên 17%; MB từ 13% lên 17%.

Bên cạnh tín dụng, việc đẩy mạnh tăng nguồn thu từ dịch vụ cũng góp phần không nhỏ vào lợi nhuận chung của các ngân hàng. Đây là lĩnh vực được nhiều ngân hàng định hướng và đã nhanh chóng chuyển hướng dịch chuyển sản phẩm, đẩy mạnh bán lẻ, phát triển ngân hàng số… nhằm giảm bớt phụ thuộc vào tín dụng và đảm bảo hoạt động kinh doanh tăng trưởng ổn định.

Trong thời gian qua, Vietcombank cũng dịch chuyển mạnh từ bán buôn sang bán lẻ; đẩy mạnh vốn cho hoạt động đầu tư; gia tăng tỷ trọng và nguồn thu dịch vụ qua mở rộng khách hàng và phát triển các sản phẩm, tiện ích.

Trong khi đó, ACB cho biết lợi nhuận tăng trưởng có sự đóng góp không nhỏ của mảng phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) với Bảo hiểm AIA. Doanh thu dự kiến của mảng bancassurance cho cả năm 2019 khoảng 600 tỷ đồng.

Xu thế chuyển dịch cơ cấu kinh doanh sang mảng dịch vụ, phí, bán lẻ cũng là điểm chung tại các ngân hàng như Techcombank, TPBank, HDBank, OCB, SCB, …

Tại SCB, nửa đầu năm 2019, "điểm nhấn" đáng chú ý mà nhà băng này có được là khoản thu nhập 290 tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh chứng khoán và 503 tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, tăng trưởng 22% và 58% so với cùng kỳ năm 2018.

HDBank dù chưa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng nhưng dự kiến thu nhập từ dịch vụ sẽ rất "ấn tượng" nhờ ưu thế về data và chuỗi phục vụ đặc quyền cho hơn 20 triệu khách hàng từ HDSaison và Vietjet.

Với kết quả 6 tháng đầy khả quan, các chuyên gia phân tích kỳ vọng tích ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm, nhất là trong bối cảnh thị trường bắt đầu đón nhận thông tin một số ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước nới "room" chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Dù vậy, thông điệp được Ngân hàng Nhà nước đưa ra là tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng, nhất là đối với các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán...

Tin Cùng Chuyên Mục