Phiên họp nhằm đánh giá tình hình triển khai nhiệm vụ của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp và công tác PBGDPL năm 2022; xác định phương hướng nhiệm vụ của Hội đồng trong năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng điều hành Phiên họp.
Góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL
Báo cáo đánh giá chung về kết quả hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương năm 2022 do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh - Phó Chủ tịch Hội đồng cho biết: Trong năm 2022, sau khi kiện toàn về tổ chức theo Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg, Hội đồng các cấp tổ chức hoạt động với nhiều hình thức đa dạng, thường xuyên hơn. Nhiều nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng Trung ương theo Kế hoạch hoạt động năm 2022 và Thông báo kết luận số 45/TB-VPCP của Chủ tịch Hội đồng Trung ương đã được các thành viên chủ động tổ chức thực hiện.
Các Thành viên Hội đồng đã trách nhiệm, chủ động hơn trong tham gia các hoạt động của Hội đồng (tham gia Phiên họp, cho ý kiến về dự thảo văn bản, tham gia Đoàn kiểm tra của Hội đồng…). Bộ Tư pháp, Cơ quan Thường trực Hội đồng trung ương đã phát huy rõ hơn vai trò làm đầu mối nắm bắt thông tin, gắn kết, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương. Tổ chức thành công chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022, trong đó điểm nhấn là Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật góp phần khẳng định, tôn vinh các giá trị, vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Hiến pháp, pháp luật trong đời sống xã hội.
Các hoạt động kiểm tra của Hội đồng Trung ương được chủ động thực hiện, có sự tham gia của nhiều Thành viên Hội đồng trung ương. Một số Thành viên Hội đồng đã tích cực tham gia hoạt động của Hội đồng. Thông qua hoạt động kiểm tra của Hội đồng Trung ương, các bộ, ngành, địa phương được kiểm tra đã có sự chuyển biến trong nhận thức và đã có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn đến công tác PBGDPL.
Kết quả hoạt động của Hội đồng đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL; tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL; đảm bảo quyền được thông tin pháp luật, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước và tăng cường quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.
Bảo đảm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW
Năm 2023, Hội đồng xác định một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW. Cụ thể, một là, thực hiện các giải pháp nhằm phát huy vai trò của các cấp ủy Đảng trong chỉ đạo, triển khai công tác PBGDPL; tăng cường hoạt động phối hợp giữa Cơ quan thường trực Hội đồng Trung ương với các thành viên Hội đồng. Tham mưu các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, nhất là cho đối tượng đặc thù, yếu thế, trong đó xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Khẩn trương ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp về kinh phí bảo đảm cho công tác PBGDPL; có giải pháp khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong xã hội tham gia, đóng góp vào công tác PBGDPL.
Hai là, chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được giao trong năm 2023 theo Quyết định số 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm là các dự thảo luật trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Các bộ, ngành cần chủ động ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch truyền thông dự thảo chính sách do bộ, ngành mình chủ trì soạn thảo.
Ba là, chỉ đạo thực hiện tổng kết 10 năm thi hành Hiến pháp năm 2013 gắn với việc đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023, chú trọng các hoạt động hướng về cơ sở, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở; tổ chức Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV. Hội thi là sự kiện điểm nhấn hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023 nhằm thực hiện chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Bốn là, chỉ đạo việc xây dựng và ban hành khung tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL; theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các Đề án và các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1521/QĐ-TTg phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW. Tổ chức thực hiện đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL tại các bộ, ngành, địa phương thuộc phạm vi thí điểm của Đề án 979 về “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL”, đồng thời thực hiện hiệu quả Đề án 977 về “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”.
Năm là, chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động PBGDPL trong nhà trường và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; khảo sát, kiểm tra thực trạng công tác này. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; chỉ đạo cập nhật thông tin trên Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia. Đổi mới, đa dạng hóa hình thức tiếp cận pháp luật cho người dân; phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông, báo chí trong PBGDPL.
Sáu là, tổ chức các Đoàn kiểm tra của Hội đồng trung ương tại các bộ, ngành, địa phương, tập trung vào những nội dung còn nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc; nâng cao vai trò chủ động tham mưu, phát hiện các vấn đề trong công tác PBGDPL của Bộ Tư pháp, Cơ quan thường trực Hội đồng và Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng.
Nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL
Tại Phiên họp, các Thành viên Hội đồng đã đề xuất nhiều giải pháp triển khai hiệu quả công tác PBGDPL. Theo Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cần tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết của công tác PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở. Bám sát vào tình hình, điều kiện thực tế, phong tục, tập quán của từng địa phương, đơn vị, xác định nội dung, hình thức tuyên truyền, PBGDPL cho phù hợp.
Từ góc độ quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chia sẻ một số giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể, mở rộng, tăng cường sự tham gia của các chủ thể trong công tác tuyên truyền; đổi mới nội dung tuyên truyền từ tuyên truyền, phổ biến nội dung chính sách, pháp luật sang tuyên truyền về lợi ích, vai trò, ý nghĩa của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh thì kiến nghị giải pháp phát huy vị trí, vai trò của đội ngũ luật sư tham gia vào công tác PBGDPL. Theo đó, cần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng và cộng đồng xã hội; nâng cao ý thức trách nhiệm của luật sư tham gia vào công tác PBGDPL khi Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền phát động…
Lắng nghe các ý kiến phát biểu, kết luận Phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang biểu dương nhiều mô hình cách làm hay, hiệu quả trong công tác PBGDPL, đồng thời đánh giá công tác phối hợp trong hoạt động PBGDPL đã có nhiều chuyển biến. Phó Thủ tướng cũng chia sẻ một số mặt chưa làm được là do chưa có sự quan tâm đúng mức, không tích cực tháo gỡ khó khăn…
Nhấn mạnh vị trí bản lề, quan trọng của năm 2023 trong nhiệm kỳ này, Phó Thủ tướng đề nghị nâng cao nhận thức, phát huy trách nhiệm của Thành viên Hội đồng, không chỉ với tư cách là lãnh đạo của mỗi cơ quan; thực hiện tốt các đề án về PBGDPL, trong đó lưu tâm Đề án 407 về truyền thông chính sách. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số trong PBGDPL, lồng ghép PBGDPL trong việc thực hiện các chương trình, đề án với nhau; tăng cường cường công tác phối hợp, công tác kiểm tra giám sát, việc kiểm tra cần định lượng cụ thể. Ngoài ra, cần đổi mới cách làm theo hướng đa dạng, hấp dẫn, sinh động, hiệu quả, tiện lợi hơn, không làm lãng phí nguồn lực
Giao nhiệm vụ cụ thể cho một số Thành viên Hội đồng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng chú trọng triển khai Đề án 979 về “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL”. Bộ Tài chính sớm ban hành thông tư mới thay thế hai thông tư liên tịch theo hướng mở rộng đối tượng, đơn giản hóa chi tiêu và nâng mức chi cho công tác PBGDPL và hòa giải ở cơ sở. Bộ Lao động, Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo hướng dẫn dành nguồn lực chuyển đổi số cho công tác này. Các cơ quan truyền thông tiếp tục đóng vai trò trong công tác PBGDPL bằng việc mở các chuyên mục tư vấn pháp luật, đối thoại, giải đáp pháp luật…, tập trung hướng đến bạn đọc vùng sâu vùng xa. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tăng cường đối thoại chính sách pháp luật…