Ngày pháp luật

Năm 2022 đầy sóng gió và cú “ra tay” dứt khoát của Shopee, Grab

Hải Đăng

Trước nguy cơ khủng hoảng tài chính nhãn tiền, năm 2022, các gã khổng lồ công nghệ đều phải mạnh tay cắt giảm chi phí và đánh đổi tăng trưởng.

Chưa có năm nào mà các gã khổng lồ công nghệ lại lao đao như 2022, và Grab hay Shopee cũng không ngoại lệ. Tình trạng lạm phát cao và lãi suất tăng nhanh chóng đẩy hai công ty đứng trước nguy cơ khủng hoảng tài chính.

Năm 2022 đầy sóng gió và cú “ra tay” dứt khoát của Shopee, Grab  - Ảnh 1

Bằng việc cắt giảm hàng loạt chi phí, kết quả kinh doanh của Grab và Shopee quý III đang cho thấy những chuyển biến tích cực. Điều này bắt nguồn từ định hướng kinh doanh được thiết lập từ đầu năm, từ tập trung tăng trưởng sang thúc đẩy lợi nhuận.

Shopee: Tinh giản nhân viên, cắt giảm chi phí tiếp thị

Năm 2022 đầy sóng gió và cú “ra tay” dứt khoát của Shopee, Grab  - Ảnh 2

Trong báo cáo quý III, Sea Limited - công ty mẹ Shopee - ghi nhận tổng doanh thu GAAP đạt 3,1 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái, với lợi nhuận gộp đạt 1,2 tỷ USD, tăng 21,7%.

Sea vẫn lỗ ròng 569,3 triệu USD nhưng đã giảm tới 38,9% so với quý II. Tương tự, khoản lỗ hệ số EBITDA đã điều chỉnh (trước lãi vay, thuế và khấu hao) là 357,7 triệu USD, tăng gấp đôi cùng kỳ nhưng lại giảm gần 30% so với quý liền trước.

“Trước những bất ổn đáng kể trong môi trường vĩ mô, chúng tôi đã chuyển hoàn toàn tư duy và trọng tâm từ tăng trưởng sang đạt được khả năng tự cung tự cấp và có lãi càng sớm càng tốt mà không cần dựa vào bất kỳ nguồn tài trợ nào bên ngoài”, Forrest Li, Chủ tịch kiêm CEO Sea cho biết.

Hiện Shopee là trụ cột cho công ty công nghệ có trụ sở tại Singapore khi thu về 1,92 tỷ USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm ngoái và 11,7% so với quý trước. Doanh thu cốt lõi (chủ yếu bao gồm phí dựa trên giao dịch và doanh thu quảng cáo) tăng 54,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1 tỷ USD, góp phần cải thiện khả năng sinh lời của nền tảng mua sắm thương mại điện tử.

Trên thực tế, việc Shopee nâng một số loại chi phí tại các thị trường được xem là câu trả lời cho mức tăng trưởng đột biến này. Ví dụ tại Singapore, từ ngày 1/8, Shopee nâng phí giao dịch từ 1,5% lên 2% cho mỗi đơn hàng giao thành công. Tại Việt Nam, từ ngày 2/10, phí cố định được điều chỉnh từ 1,5% lên 2,5%. Nhà phân tích Sachin Mittal từ DBS Group Holdings từng tiết lộ thu nhập từ phí hoa hồng chiếm phần lớn doanh thu của Shopee và việc nâng hoa hồng có thể cải thiện khả năng kiếm tiền của nền tảng.

Bên cạnh đó, Shopee nói riêng và công ty mẹ nói chung cũng cắt giảm hàng loạt nhân sự. Theo nguồn tin tiết lộ với Bloomberg, Sea Limited đã cắt giảm khoảng 7.000 vị trí, tương đương 10% nhân sự, trong 6 tháng qua. Trước đó, năm 2021, Sea Limited có khoảng 67.000 nhân viên.

Nhờ các chính sách này, Sea tiết kiệm 77,4 triệu USD trong quý III.

Ngoài lĩnh vực nhân sự, Shopee còn dừng hoạt động ở các thị trường lớn như Ấn Độ, châu Âu và Mỹ Latinh từ giữa năm nay.

Thêm vào đó, thay vì đẩy mạnh “đốt tiền” nhằm thu hút người dùng và kéo tăng trưởng như các năm trước, Shopee điều chỉnh mạnh chi phí tiếp thị và bán hàng xuống còn 575,7 triệu USD, giảm 16,4%.

Khoản lỗ hệ số EBITDA đã điều chỉnh của Shopee thu hẹp còn 495,7 triệu USD, cải thiện 23,5% so với quý trước. Nền tảng mua sắm online đặt mục tiêu hòa vốn EBITDA đã điều chỉnh vào cuối năm 2023.

Ngay sau công bố báo cáo, cổ phiếu của Sea Limited (SE) trên sàn New York tăng mạnh từ 45,8 USD/đơn vị lên 62,31 USD đơn vị, tương đương 36%. Vốn hóa tập đoàn dao động trên 30 tỷ USD.

Dẫu vậy, so với thời điểm hoàng kim vào tháng 11 năm ngoái, giá cổ phiếu và vốn hóa công ty đã giảm trên dưới 84% giá trị.

Grab: Cắt giảm ưu đãi, cố gắng thoát lỗ

Năm 2022 đầy sóng gió và cú “ra tay” dứt khoát của Shopee, Grab  - Ảnh 3

Trong khi đó, sự tăng trưởng mạnh về doanh thu mảng gọi xe di chuyển và giao hàng kết hợp việc cắt giảm khuyến mãi giúp Grab - ứng dụng gọi xe hàng đầu Đông Nam Á - thu về 382 triệu USD, tăng 143% so với cùng kỳ năm ngoái.

Grab lỗ ròng 342 triệu USD nhưng đã giảm 65% so với con số gần 1 tỷ USD ghi nhận cùng kỳ. Lỗ hệ số EBITDA đã điều chỉnh đạt 161 triệu USD, giảm 24%.

“Kết quả quý III của chúng tôi chứng minh khả năng thúc đẩy tăng trưởng song song với lợi nhuận. Mảng giao đồ ăn và giao hàng nói chung đã hòa vốn theo hệ số EBITDA đã điều chỉnh. Khoản lỗ chung của công ty cũng được thu hẹp đáng kể trong giai đoạn này”, Anthony Tan, Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập Grab, nhấn mạnh.

Tương tự Shopee, Grab cũng thực hiện hàng loạt biện pháp cắt giảm chi phí. Ứng dụng chỉ dành tổng cộng 476 triệu USD cho ưu đãi dành cho đối tác và khách hàng, giảm 9% so với quý II, giảm 15% so với quý I. Trước đó, năm 2021, công ty đã chi hơn 1,7 tỷ USD cho hoạt động ưu đãi tới đối tác và khách hàng.

Grab khẳng định cắt giảm các ưu đãi cho tài xế đối tác từ giữa năm nhằm đáp ứng mục tiêu lợi nhuận và “tăng trưởng bền vững”.

Kết quả thuận lợi tạo điều kiện cho ứng dụng nâng dự báo doanh thu từ 1,25-1,3 tỷ USD lên 1,32-1,35 tỷ USD. Lỗ hệ số EBITDA đã điều chỉnh cũng cải thiện từ 380 triệu USD xuống 315 triệu USD.

Doanh số mảng giao hàng của Grab tăng 250% từ 49 triệu USD lên 171 triệu USD. Mảng giao hàng lần đầu tiên chứng kiến tín hiệu tích cực, sớm hơn 3/4 so với dự báo trước đây. Dịch vụ giao đồ ăn cũng có thu nhập hệ số EBITDA đã điều chỉnh dương sớm hơn hai quý.

Doanh số mảng gọi xe di chuyển cũng tăng 101% từ 88 triệu USD lên 176 triệu USD. Lãi EBITDA đã điều chỉnh tăng từ 64 triệu USD lên 135 triệu USD.

Cổ phiếu Grab trên sàn New York hiện dao động quanh mốc 3 USD/đơn vị với vốn hóa trị giá 11,5 tỷ USD. Dù vậy, so với thời điểm IPO cuối năm ngoái, vốn hóa của Grab đã giảm 57% giá trị.

Tin Cùng Chuyên Mục