Ông Vũ Duy Bổng: Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Du lịch Hòa Bình
Phải nói là chúng tôi rất có “duyên” với mảnh đất Hòa Bình. Khởi đầu với Khu công nghiệp Lương Sơn (2005), đến nay dự án đã triển khai khá thành công, thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ… Tính đến thời điểm hiện tại, Khu công nghiệp Lương Sơn đã thu hút được gần 30 doanh nghiệp vào đầu tư, hoạt động trong các lĩnh vực: Thiết bị viễn thông, may mặc, thép, cơ khí, phụ tùng ô tô, nhôm, kính xây dựng…
Cũng với cái duyên và niềm đam mê khai phá văn hóa, du lịch của tỉnh Hòa Bình, Công ty CP Đầu tư Du lịch Hòa Bình tiếp tục đầu tư rất nhiều dự án liên quan đến du lịch như: Dự án cảng Chân Dê cùng tổ hợp khách sạn 4 sao An Thịnh tô điểm thêm cho vẻ đẹp của thành phố miền núi Hòa Bình. Và dự án mang tên Cullinan Hòa Bình Resort với diện tích 150ha với tổng số vốn đầu tư lên tới 1.200 tỷ đồng, gồm 200 căn biệt thự view núi hồ siêu vip, 120 căn hộ condotel cùng vô vàn những tiện ích và dịch vụ đẳng cấp đã ghi tên Hòa Bình vào danh sách các khu du lịch nổi tiếng của Việt Nam.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì lĩnh vực kinh doanh của chúng tôi liên quan đến du lịch và dịch vụ. Nhưng dịch bệnh cũng tạo cho chúng tôi sức mạnh, bầu nhiệt huyết và khả năng ứng phó nhanh nhạy với khó khăn, thách thức của dịch bệnh. Chúng tôi tin rằng, mình sẽ chiến thắng và vượt qua mọi chông gai và thử thách, vững bước phát triển!
Theo nhận định của tôi: Quá trình phục hồi kinh tế năm 2022 sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức cần phải giải quyết. Việt Nam tiếp tục đối diện với sự gia tăng áp lực lạm phát, trần nợ công và nợ xấu ngân hàng, những hạn chế về khả năng đáp ứng nhân lực, trang thiết bị, hạ tầng của hệ thống y tế cơ sở, trong khi số người cần được hỗ trợ y tế, an sinh xã hội là rất lớn. Việc phục hồi sản xuất, kinh doanh có thể bị cản trở bởi khó khăn về tài chính và thị trường tiêu thụ. Tỷ lệ tín dụng so với GDP vẫn ở mức cao, vốn trung dài hạn của nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng.
Tuy vậy, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong trung hạn. Các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do Covid-19. Trong nội tại nền kinh tế, tiêu dùng nội địa và đầu tư công vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong phục hồi tăng trưởng kinh tế năm 2022. Năm 2022 Việt Nam sẽ có nhiều cải thiện cả về động lực và kết quả phục hồi, phát triển kinh tế so với năm 2021.
Với kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, khả năng chủ động sản xuất được vắc xin ngừa Covid-19 sẽ sớm đảm bảo mục tiêu tiêm vắc xin cho toàn dân, đất nước sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường và nền kinh tế mau chóng phục hồi. Việc hoàn thành bao phủ vắc xin vào cuối năm 2021, hoặc chậm nhất vào đầu năm 2022 là một trong những điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế!”…
Ông Nguyễn Đức Minh: Tổng Giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng Nutricare
"Nutricare là DN chuyên sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng mang thương hiệu quốc gia từ năm 2018. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hai nhà máy lớn chuyên sản xuất các sản phẩm dạng bột và dạng nước của công ty đều nằm trên địa bàn huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh - khu vực đầu tiên bị phong tỏa do Covid-19. Và công ty cũng là đơn vị phải áp dụng “3 tại chỗ” từ trước khi có Chỉ thị, quyết định của Chính phủ. Khó khăn lớn nhất của Nutricare là bị ngắt nguồn cung trong toàn bộ giai đoạn bị phong tỏa nên việc tiếp cận nguyên vật liệu vô cùng khó khăn. Khi vận chuyển hàng hóa, để tiếp cận nguồn hàng cũng rất nan giải, mặc dù nhu cầu về dinh dưỡng được các chuyên gia toàn cầu đánh giá tăng nhưng do bị ngắt ở chuỗi cung ứng (Hàng bị dừng ở các nhà phân phối lớn ở các tỉnh thành, tại các trạm trung chuyển lớn khắp 3 miền nên không thể tiếp cận được khách hàng). Do hàng hóa, sản phẩm bị đình trệ nên chi phí sản xuất cũng tăng lên rất nhiều…
Trước tình thế đó, chúng tôi buộc phải co lại một số mặt hàng, nhưng vẫn có những chính sách phát triển các sản phẩm thiết yếu. Hiệu quả kinh doanh của công ty có giảm nhưng tình hình kinh doanh chung vẫn có những tiến triển so với năm 2019, 2020 và so với những DN khác trên thị trường…
Khẩu hiệu của Nutricare là: “Vì sự trở lại của khách hàng!” nên trong giai đoạn khó khăn khi chuỗi cung ứng bị ngắt như vậy, công ty vẫn cố gắng tìm mọi cách duy trì sản xuất. Việc duy trì “3 tại chỗ” DN áp dụng trước khi có khuyến cáo của Chính phủ, bởi việc di chuyển rất phức tạp, đòi hỏi phải test Covid-19, nguy cơ lây nhiễm từ khu vực sản xuất và cộng đồng rất cao, đặc biệt tại thời điểm Thuận Thành bị phong tỏa gắt gao, xung quanh rất nhiều ổ dịch… nên công ty đã đóng cửa nhà máy, anh em các khối huy động tiếp tục duy trì sản xuất, đồng thời làm việc với chính quyền địa phương để có phương pháp tiệt trùng, đưa hàng đến các điểm trung chuyển.
Xác định hàng hóa, sản phẩm bị tắc ở chuỗi cung ứng nên công ty chuyển sang làm từ thiện, cung cấp sản phẩm dinh dưỡng đến các điểm dịch bệnh; Kết hợp hệ thống y tế các bệnh viện, bệnh viện dã chiến tặng cho bệnh nhân đang điều trị tại đây. Thực tế, công ty có một quỹ hỗ trợ cộng đồng, tài trợ, từ thiện. Ngoài ra, huy động các cán bộ, công nhân viên tài trợ bệnh viện dã chiến từ Bắc đến Nam để hỗ trợ các chiến sỹ, cán bộ y tế phòng chống dịch bệnh.
Để chuẩn bị cho các giai đoạn dịch, có rất nhiều DN không hoạt động được nhưng cũng có những DN hoạt động rất mạnh bởi họ bám chặt vào các giá trị cốt lõi, họ có được cấu trúc tinh gọn và tổ chức chặt chẽ, mang tính phân tầng cao. Họ cũng rất linh động trong việc mở rộng hay thu hẹp khi cần thiết. Đó cũng là những DN có khả năng tồn tại, phát triển cao. Bên cạnh đó, có một đặc điểm nữa liên quan đến đặc tính của sản phẩm. Trong ngành khoa học về dinh dưỡng, người ta tách ra hai loại sản phẩm: Thiết yếu hay có thì tốt, dựa vào đó DN có thể phân bổ cơ cấu sản phẩm một cách cân đối, để đảm bảo trong quá trình khó khăn thì các sản phẩm thiết yếu vẫn duy trì hoạt động DN. Ngoài ra vẫn có cơ hội mở rộng DN, dẫn dắt theo các nhóm sản phẩm, mở rộng các tệp khách hàng đang có để giúp cho quá trình tăng trưởng của DN.
Hiện tại, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng chúng ta đã có những hồi phục, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN cũng bắt nhịp trở lại. Điều đó cho thấy sức bật của thị trường Việt Nam cũng rất lớn, mặc dù chúng ta vẫn chưa tham gia sâu vào chuỗi ứng toàn cầu nhưng nhu cầu thực sự trong nước rất cao. Tôi hoàn toàn tin tưởng và lạc quan vào sự phát triển, hồi phục của nền kinh tế bởi: Thứ nhất: Nhu cầu, nguồn lực, độ tuổi, đặc biệt là cơ cấu dân số vàng của Việt Nam đang có cơ hội tốt, sức bật tốt. Thứ hai: Đối với môi trường kinh tế vĩ mô, một số thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc cũng tăng, “bơm” tài chính dẫn đến nhu cầu tiêu dùng tăng lên rất cao. Bằng chứng là các tuyến vận chuyển giá đều tăng, lưu lượng hàng hóa lớn hơn. Khi Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sâu sắc hơn cũng như Chính phủ có những quyết sách đúng đắn, đặc biệt hỗ trợ rất nhiều vào đầu tư công, chắc chắn sẽ dẫn đến nguồn tiền cung trên thị trường tăng. Như vậy, các DN sẽ được “ăn theo” trong tăng trưởng lưu chuyển tiền tệ này.
Thực tế cho thấy, ngay trong làn sóng dịch bệnh thứ tư thì kinh tế Việt Nam đã có những thay đổi rất lớn. Mặc dù mảng dịch vụ vận tải vẫn bị ảnh hưởng nhưng hầu hết các DN đều có sự đầu tư trở lại, giá bất động sản vẫn tiếp tục tăng. Vì thế, tôi cho rằng cơ hội còn rất lớn với kinh tế Việt Nam những ngày cuối cùng của năm và trong năm tới! Tất nhiên, bức tranh khởi sắc của nền kinh tế phụ thuộc vào nỗ lực của Chính phủ trong việc kiểm soát Covid-19 nhưng về cơ bản các thay đổi về kinh tế của chúng ta rất tích cực”.
Ông Nguyễn Hữu Đường: Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình
"Từ tháng 2/2020, khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo tình hình khẩn cấp của dịch bệnh trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam, Tập đoàn Hòa Bình đang từ một đơn vị kinh doanh rất tốt, với doanh thu kinh doanh 100 tỷ đồng/tháng, do ảnh hưởng của dịch bệnh bị sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể: Trong tháng 2, 3 doanh thu của tập đoàn giảm tới 80% bởi các doanh nghiệp nước ngoài hủy toàn bộ các tour đến Việt Nam. Đến tháng 4, giảm gần như 100% do giãn cách xã hội hoàn toàn. Từ tháng 5 - 7, các hoạt động được phục hồi trở lại, chúng tôi hoạt động cầm chừng được khoảng 30% nhưng tháng 8, tháng 12 dịch bệnh lần thứ hai, thứ ba lại diễn biến phức tạp khiến doanh thu của doanh nghiệp tiếp tục giảm xuống 70 - 80%...
Trong năm 2021, doanh thu của tập đoàn tiếp tục giảm tới 90% do dịch tái phát lần thứ 4. Không chỉ khách sạn phải đóng cửa, hoạt động của nhà máy bia cũng phải ngừng vì các nhà hàng cấm bán rượu bia; Nhà máy sản xuất nước ngọt gia công bị giảm công suất xuống 50% vì không tiêu thụ được. Trong khi đó, đối với ngành kinh doanh khách sạn, du lịch, dịch vụ, Hòa Bình Group là đơn vị dẫn đầu về kinh doanh trong cả nước. Khách sạn của doanh nghiệp được công nhận đạt tiêu chuẩn thế giới, tất cả các hãng du lịch lớn trên thế giới khi đến du lịch Việt Nam đều đặt phòng tại đây. Bản thân khách sạn dát vàng ở Giảng Võ, Hà Nội từ tháng 4 năm ngoái đã đặt kín phòng nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, các hợp đồng đều bị hủy.
Hiện nay, toàn bộ doanh thu từ hoạt động duy trì của doanh nghiệp chỉ đủ trả lương 50% cho cán bộ công nhân viên - CBCNV (năm 2020 trả được 70%) để giữ chân người lao động, hỗ trợ họ vượt qua dịch bệnh. Điều may mắn nhất là hơn 3.000 CBCNV của doanh nghiệp không ai bị nhiễm Covid-19. Bởi chúng tôi có sẵn nguồn lương thực thực phẩm để bồi bổ cơ thể, giữ gìn sức khỏe. Đồng thời chúng tôi cũng tìm kiếm được nguồn vắc xin để tiêm cho toàn bộ CBCNV của tập đoàn…
Tôi có thể khẳng định: Năm 2022, nền kinh tế sẽ vẫn tiếp tục khó khăn, nhưng sẽ nhỉnh hơn năm 2021 từ 5 - 10%, vì hết năm 2021 mà chúng ta vẫn chưa mở được du lịch. Về phát triển kinh doanh của Việt Nam hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chúng ta chỉ cung cấp nhân công. Còn sản xuất trong nước cũng chưa mấy phát triển, đặc biệt ngành du lịch sang năm 2022 chưa có một điểm sáng nào vì lượng người làm du lịch, dịch vụ ở Việt Nam quá lớn. Hiện chỉ có khoảng 10% số khách sạn ở Việt Nam có khách, còn lại tới 90% vắng, không có khách đặt phòng. 90% lực lượng lao động lữ hành bị dư thừa sẽ rất khó khăn nếu chúng ta không thu hút được khách du lịch…
Thực tế, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đều đã triển khai nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả. Cụ thể, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đã có nhưng đến tay doanh nghiệp chỉ có 0,26%; Gói 26.000 tỷ chưa doanh nghiệp nào được hưởng… Theo tôi, doanh nghiệp nào cũng cần được hỗ trợ và phải có sự công bằng cho tất cả đối tượng. VD: Một đơn vị có bao nhiêu CBCNV thì tất cả đều phải được hưởng chính sách này, đừng phân biệt người giàu, người nghèo. Chứ cứ đợi bình chọn, lên danh sách thì 2 năm nữa các đối tượng cũng chưa được hưởng… Mặc dù rất khó khăn nhưng doanh nghiệp sẽ nỗ lực vượt qua và chúng tôi mong muốn Nhà nước hỗ trợ, ủng hộ và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật”.