Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết, Bộ Xây dựng đang trong quá trình nghiên cứu, lấy ý kiến các đơn vị liên quan để sửa đổi Nghị định 101 của Chính phủ về cải tạo chung cư cũ; hoàn thiện giải pháp và cố gắng trong năm 2021 sẽ có hành lang pháp lý về cơ bản.
Theo ông Hùng, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là vấn đề không đơn giản. Có hai lý do khiến công tác này gặp khó trong thời gian qua.
Các chung cư cũ tập trung chủ yếu ở nội đô trong khi khu vực nội đô lại đang khống chế về mật độ xây dựng, chỉ tiêu dân số, chiều cao, giao thông... nên việc đập đi, xây lại như cũ không mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư. "Nếu dùng tiền ngân sách, công tác cải tạo chung cư cũ sẽ đơn giản, không có lợi ích gì. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước có hạn...", ông Hùng nói.
Cái vướng nữa là các chung cư cũ rất đa dạng về chủ sở hữu (sở hữu nhà nước, cá nhân, tập thể). Do đó, việc bảo đảm 100% chủ sở hữu đồng thuận để lựa chọn một hình thức cải tạo nhà chung cư hay lựa chọn chủ đầu tư theo quy định hiện nay là rất khó khăn...
Trong năm 2020, Bộ Xây dựng đã tổ chức hai hội nghị với chính quyền Hà Nội và TP HCM để tìm giải pháp khả thi cho công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản được Bộ Xây dựng giao là đơn vị chủ trì soạn thảo dự thảo sửa đổi Nghị định 101 vẫn đang tiếp thu ý kiến của các đơn vị có liên quan để hoàn thiện, trình Bộ Xây dựng, Chính phủ trong thời gian tới.
Dân cố bám trụ
Từ năm 2016, Hà Nội bắt đầu lập danh sách các tòa chung cư cũ nguy hiểm, xuống cấp nghiêm trọng, trong đó cấp độ D là cấp độ buộc phải di dời dân khẩn cấp.
Nhưng đến nay đã hơn 4 năm, việc di dời dân ra khỏi những chung cư nguy hiểm vẫn chưa thể hoàn thành. Chính quyền vẫn cảnh báo nguy hiểm, còn người dân tại những khu chung cư này vẫn quyết bám trụ.
Theo thông tin từ Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình (Hà Nội), trên địa bàn quận Ba Đình có 4 chung cư cấp độ D là Đơn nguyên 1- 3 tập thể Bộ Tư pháp; Đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh; Đơn nguyên 1- 2 nhà G6A Thành Công; Đơn nguyên 3 tập thể C8 Giảng Võ. Trong đó có 155 hộ cần được di dời.
Ông Lê Trí Dũng, Phó Giám đốc ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình cho biết, đã có 2/3 số hộ trên đã di dời khỏi chung cư cấp độ D, 1/3 số còn lại còn nhiều vướng mắc như: Họ chưa đồng ý với kết quả điểm định cấp D của thành phố, hay chưa thể đi khi chưa biết “ngày về”.
Còn chung cư G6A Thành Công, mới chỉ có 22/49 hộ đồng ý di dời tạm cư bàn giao lại cho quận, số còn lại không đồng ý với mức độ kiểm định của cơ quan chức năng.
Bà Bích Đào, cư dân tại đây chia sẻ: “Nhà A7 Tân Mai, dựng cột chống thép cả 5 tầng mà chỉ đánh giá ở mức C, còn nhà này không phải chống một thanh thép nào, cũng không một khe nứt nào thì treo biển cảnh báo cấp độ D, nên chúng tôi chưa tin vào kết quả kiểm định".
Cả nước có hơn 2.500 nhà chung cư cũ, thế nhưng, 10 năm qua, số nhà chung cư đã được cải tạo sửa chữa vẫn chưa chạm mốc 20 (dưới 3%).
Link bài gốc