Ngày pháp luật

Một doanh nhân kêu oan ở Lâm Đồng: Nghi vấn "quýt làm, cam chịu"?

Lưu Quỳnh

Vụ án này có nhiều vấn đề về nội dung lẫn thủ tục tố tụng: mẹ đẻ không được giám hộ cho con gái chưa thành niên bị xâm hại tình dục, nghi án điều tra viên đưa người bị hại đi phá thai mà không có người giám hộ đi cùng, không đủ chứng cứ vẫn “đè” ra kết tội bị cáo...

Đó cũng là lý do khiến doanh nhân Nguyễn Văn Đức (70 tuổi, Việt kiều Pháp) ròng rã kêu cứu, cho rằng đã bị TAND tỉnh Lâm Đồng kết án oan 5 năm tù về tội “Giao cấu với trẻ em”.

Bỗng dưng bị “đè” ra kết tội

Năm 2008, ông Đức từ Cộng hòa Pháp về Việt Nam thành lập Công ty Song Nguyễn để kinh doanh sinh vật cảnh và lập trang trại tại TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng). Ông Đức có tuyển một số công nhân vào làm việc tại công ty, trong đó có bà Vũ Ngọc Lan (SN 1961). Năm 2011, cháu Vũ Khánh H (SN 1998, con gái bà Lan) chuyển về học và ở hẳn với mẹ tại trang trại của ông Đức.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Lâm Đồng, khoảng tháng 9/2013 ông Đức đã có hành vi quan hệ tình dục với cháu H, việc này H có kể cho chị gái là Tống Ngọc Mai Uyên (SN 1984) biết. Đến tháng 11/2013, gia đình phát hiện cháu H có thai và cháu H khai ra ông Đức là tác giả bào thai. Gia đình đã tố cáo sự việc này ra cơ quan công an.

Theo cháu H khai, trước đó ông Đức đã nhiều lần quan hệ tình dục với cháu H, bắt đầu từ năm 2011 cho đến tháng 9/2013, tại trang trại và tại văn phòng công ty, quan hệ liên tục trong thời gian dài, thậm chí có ngày vài lần.

Bị công an triệu tập lên làm việc theo đơn tố cáo, ông Đức kêu oan, khẳng định hoàn toàn không có việc quan hệ tình dục với cháu H. Ông Đức đưa ra các bệnh án chứng minh bản thân sức khỏe yếu, bị tiểu đường, thời điểm bị tố cáo làm cháu H có thai ông Đức vừa phẫu thuật tim, khả năng sinh lý bình thường còn không nổi thì làm sao thực hiện “chuyện đó” liên tục, ngày vài lần như bị hại tố cáo. Tuy nhiên, những chứng cứ ông Đức đưa ra không được xem xét. 

Theo ông Đức khai, sau khi vu oan cho ông chính cháu H và chị gái là Tống Ngọc Mai Uyên đã chủ động hẹn gặp ông Đức ở quán cà phê để “ngã giá” ông Đức đền bù 200 triệu đồng thì sẽ rút đơn. Tuy nhiên, ông Đức thẳng thắn từ chối, cho rằng mình không làm nên một đồng cũng không chấp nhận; ông Đức bảo cứ để H sinh con rồi đem đứa trẻ đi giám định nhưng chị em H không nghe.

Hồ sơ vụ án thể hiện, ngày 26/11/2013, cháu H được cha đẻ là ông Tống Thanh Hoàng và điều tra viên Phạm Hữu Hải (Công an TP Bảo Lộc) đưa đến Bệnh viện Từ Dũ (TP.Hồ Chí Minh) để phá thai và lấy mẫu thai nhi để giám định.

Ngày 23/12/2013, Phân viện Khoa học Hình sự Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an tại TP.Hồ Chí Minh có kết luận giám định số 2451/C54B thể hiện kết quả giám định xác định Nguyễn Văn Đức là cha đẻ thai nhi của cháu H. Ông Đức khiếu nại và yêu cầu giám định lại.

Ngày 29/9/2014, Công an tỉnh Lâm Đồng trưng cầu giám định lại theo yêu cầu của ông Đức. Kết luận giám định ADN ngày 15/10/2014 của Viện Pháp y Quân đội kết luận: Mẫu máu có ADN của ít nhất 2 người, không có mẫu thai nhi nên không đủ căn cứ kết luận theo yêu cầu giám định.

Tại phiên tòa phúc thẩm, dù ông Đức kêu oan, các chứng cứ kết tội yếu, mâu thuẫn nhau nhưng TAND tỉnh Lâm Đồng vẫn tuyên phạt Nguyễn Văn Đức 5 năm tù về tội “Giao cấu với trẻ em”.

Ai đưa người bị hại chưa thành niên đi phá thai?

Theo hồ sơ, ngày 26/11/2013, cháu H được cha đẻ là ông Tống Thanh Hoàng và điều tra viên Phạm Hữu Hải đưa đến Bệnh viện Từ Dũ (TP.Hồ Chí Minh) để phá thai và lấy mẫu thai nhi để giám định. Đáng nói, cơ quan điều tra khi lấy mẫu thai nhi của cháu H đi giám định ADN thì thể hiện chị Uyên ký tên trong biên bản.

Tuy nhiên tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm chị Uyên khẳng định mình không có mặt khi đưa H đi phá thai và không ký tên vào biên bản này. Cháu H thì khai ông Tống Văn Hoàng là cha đẻ có mặt đưa đi phá thai và ký tên vào các biên bản. Tuy nhiên, các biên bản lập mẫu đều không có chữ ký của ông Hoàng.

Tại phiên tòa, bà Vũ Ngọc Lan là mẹ cháu H đã “tố” việc cơ quan Công an không triệu tập bà tham gia tố tụng với tư cách giám hộ cho bị hại chưa thành niên. Bà Lan bức xúc: Ai là người đưa cháu H đi phá thai để lấy mẫu giám định và ký vào các biên bản giả danh tư cách người giám hộ của bị hại vị thành niên? Trước việc làm thiếu minh bạch trên, bà Lan đã phát đơn khiếu nại Công an TP Bảo Lộc tự ý đưa con gái bà đi phá thai, nguy hiểm đến tính mạng và khả năng sinh nở của cháu H sau này.

Đáng chú ý, bà Vũ Ngọc Lan cũng có nhiều đơn kêu oan cho ông Đức, khẳng định: ông Đức không quan hệ tình dục với H mà việc H tố cáo ông Đức là do bị người khác xúi giục vu oan, hãm hại ông Đức. Bà Lan có đơn tường trình việc gia đình đã nhiều lần bắt gặp cháu H có quan hệ dục với bạn trai tên Trần Ngọc Long (SN 1992) và thường xuyên bỏ nhà đi sống chung với bạn trai, gia đình bà Lan đã phải lập biên bản yêu cầu Trần Ngọc Long cam kết chấm dứt không quan hệ với cháu H nữa, nếu không sẽ tố cáo ra pháp luật.

Chưa kể, đầu tháng 9/2013, H và Uyên xin phép cho H xuống TP.Hồ Chí Minh ở với Uyên. Vậy thời điểm H thụ thai là lúc nào, ở đâu? Giấy siêu âm thai của Bệnh viện Lâm Đồng 2 ngày 12/11/2013 xác định H có thai 9 tuần. Ngoài khai ra quan hệ với ông Đức, bị hại H thừa nhận có quan hệ tình dục với bạn trai là Trần Ngọc Long (SN 1992). Việc cơ quan điều tra không tìm kiếm, triệu tập người tên Long để xem xét trách nhiệm hình sự của Long là bỏ lọt tội phạm nếu có căn cứ. Đồng thời cần lấy mẫu để giám định xem Long có liên quan đến bào thai của cháu H hay không?

Một doanh nhân kêu oan ở Lâm Đồng: Nghi vấn
Nhiều vấn đề chưa sáng tỏ khiến bị cáo có khả năng bị kết án oan. (Ảnh minh họa)

Không đủ căn cứ kết tội

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 27/5/2015 của TAND Tối cao tại TP.Hồ Chí Minh xét kháng cáo kêu oan của ông Nguyễn Văn Đức, đại diện của VKSND Tối cao nhận định: Trong hồ sơ vụ án có 2 kết luận giám định nhưng Tòa sơ thẩm kết luận giám định lần 1 là có căn cứ và lấy làm chứng cứ xác định bị cáo Đức phạm tội “Giao cấu với trẻ em” và xử bị cáo Đức 5 năm tù là chưa đủ căn cứ.

Quá trình điều tra cơ quan công an chỉ lập biên bản thu giữ mẫu vật, không lập biên bản niêm phong nên việc thu giữ mẫu vật là không bảo đảm, không ghi số lượng, trọng lượng thu giữ mà chỉ ghi chung chung “thu giữ mô thai” là vi phạm Điều 75 Bộ luật Tố tụng Hình sự về thu thập và bảo quản vật chứng.

Kết luận giám định số 2452 ngày 23/12/2013 của Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an ghi đã sử dụng hết mẫu vật. Vậy tại sao 9 tháng sau lại vẫn còn mẫu vật bàn giao cho Viện Pháp y Quân đội giám định lại. Và kết quả giám định của Viện Pháp y Quân đội trái ngược với kết quả ban đầu “do không có mẫu thai nhi nên không đủ căn cứ kết luận theo yêu cầu (không đủ căn cứ xác định ông Đức có phải là cha đẻ của thai nhi hay không?”.

Như vậy giữa hai cơ quan giám định có mâu thuẫn nhau nhưng cơ quan điều tra lại chọn kết luận giám định lần đầu là phiến diện, thiếu thuyết phục. Bản án phúc thẩm cũng nhận định hồ sơ vụ án cũng còn nhiều điểm mâu thuẫn chưa được làm rõ: Bị cáo Đức có xuất trình các tài liệu về bệnh tật và khả năng sinh lý nhưng cơ quan điều tra không cho đi khám chuyên môn để kết luận xem có khả năng sinh hoạt tình dục liên tục hàng ngày như lời khai của bị hại hay không? Bên cạnh đó, việc cơ quan điều tra không đưa bà Lan vào tham gia tố tụng với tư cách người giám hộ là vi phạm tố tụng. 

Với các mâu thuẫn và vi phạm tố tụng nêu trên, bản án phúc thẩm tuyên không đủ căn cứ kết tội bị cáo Nguyễn Văn Đức phạm tội “Giao cấu với trẻ em”, tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Được biết, hơn một năm kể từ khi bị hủy án để điều tra lại, đến nay cơ quan tố tụng tỉnh Lâm Đồng đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Đức với nội dung và tình tiết y như cũ. Được biết, TAND tỉnh Lâm Đồng đã 3 lần mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lại vụ án nhưng đều phải hoãn do vắng người bị hại, còn ông Đức vẫn khiếu nại bản cáo trạng và một mực kêu oan với mong muốn phiên tòa sơ thẩm tới đây của TAND tỉnh Lâm Đồng sẽ giải quyết lại vụ án một cách công tâm, khách quan.

Tin Cùng Chuyên Mục