Trên Facebook, ngoài các trang cá nhân và Fapage dùng để bán hàng còn có hình thức hội, nhóm Facebook đang khá phổ biến. Trong đó, hoạt động của các nhóm kín khá thoải mái vì người xem được thông tin chỉ có thể là hội viên.
Mới đây, trên một nhóm kín dành cho các tài xế xe công nghệ đã có sự việc một tài xế đem hình một nữ khách hàng lên để bình phẩm. Nguyên nhân là nữ khách hàng ăn mặc táo bạo, nam tài xế sau khi chở xong đã lén chụp hình khách hàng, đăng lên nhóm kín dành cho tài xế xe công nghệ với những lời lẽ khiếm nhã, kêu gọi các tài xế khác vào để bình phẩm.
Bình luận về hình ảnh nói trên có rất nhiều lời thiếu văn hóa, tục tằn, xúc phạm đến nhân phẩm khách hàng. Đáng nói là bức ảnh lộ rất rõ mặt, xâm phạm nghiêm trọng đến sự riêng tư của nữ khách hàng nói trên. Sau đó, sự việc được cộng đồng mạng chia sẻ nhiều, chính người trong cuộc và bạn bè phải lên tiếng, bức xúc.
Điều đáng nói đây không phải sự việc đầu tiên xảy ra tại nhóm dành cho tài xế xe công nghệ. Trước đó, không ít lần tài xế đăng thông tin, hình ảnh khách hàng lên bình phẩm, chửi bới, kêu gọi nhóm tài xế vào chửi bới khách hàng.
Va chạm, mâu thuẫn với khách hàng, nhiều tài xế còn lên nhóm kín đăng tải toàn bộ thông tin địa chỉ, số điện thoại, rủ rê các tài xế khác “tẩy chay” hoặc dùng điện thoại, khủng bố tin nhắn khách hàng. Điều này đã khiến cho nhiều khách hàng xe ôm công nghệ hết sức lo ngại cho việc bảo mật thông tin, hình ảnh.
Trên Facebook tồn tại không ít hội, nhóm kín lập ra với mục đích “bóc phốt” chuyện riêng tư của người khác, nói xấu đồng nghiệp, nói xấu khách hàng như thế. Phiếm chỉ có, nói thẳng mặt, chỉ thẳng tên có, nhưng hầu hết những “nạn nhân” đều chỉ biết ấm ức chứ không biết giải quyết thế nào.
Một nhóm mang tên “Khẩu nghiệp” trên Facebook nổi tiếng với việc “bóc phốt”. Tất tần tật chuyện gia đình, chuyện công sở, chuyện đời sống… đều được các thành viên đem lên phân tích cặn kẽ. Dần dà, nhóm này trở thành một nơi dùng để các thành viên có thể “khẩu nghiệp” bằng cách phân tích, “ném đá”, chửi bới hay bàn tán về bất cứ một nhân vật nào, từ tình cờ chụp được ngoài đường cho đến nhân vật nổi tiếng.
Cạnh đó, đây còn là nơi nhiều người lên “kêu oan”, từ việc bị quỵt lương, bị đối xử bất công cho đến bạn đời ngoại tình, theo kẻ thứ ba… Điều đáng nói là nhiều câu chuyện không hề có căn cứ nhưng vẫn được tin tưởng và được các thành viên nhóm xúm vào “trả đũa” giúp. Tưởng chừng là mạng ảo, nhưng sức mạnh bàn phím là có thật, không ít lần, những sự việc được đăng tải trên trang này, nhiều người đã trở thành “nạn nhân” khi bị các thành viên của nhóm “khủng bố” tinh thần, gây ảnh hưởng đến cuộc sống.
Ngoài ra, có không ít nhóm hướng đến khai thác đời tư của người nổi tiếng, sao làng giải trí mang những cái tên thật “kêu” như “Tám chuyện showbiz”, “Bà tám showbiz”, “Bí mật showbiz”… Tại đây, chuyện nghề, chuyện đời tư của nghệ sĩ được đem ra bình phẩm như câu chuyện đầu cửa miệng, trong đó có không ít chuyện bịa đặt, thiếu căn cứ về giới tính, về các mối quan hệ xã hội, gia đình của nghệ sĩ…
Có nghệ sĩ biết đành im lặng, coi như không thấy, có nghệ sĩ phản kháng thì bị “ném đá” nặng hơn. Nhiều trường hợp nghệ sĩ đăng đàn giải thích vì bị ảnh hưởng bởi tin đồn thổi từ các nhóm này tung ra, có cả trường hợp nghệ sĩ phải tìm đến nhà của người tung tin trên các nhóm kín để “nói chuyện phải trái” như ca sĩ Lệ Quyên…
Sự phát triển của các nhóm kín trên Facebook là một tất yếu khi cư dân mạng có nhu cầu hội họp với nhau thành những nhóm có cùng sở thích hay các mối quan tâm. Nhưng những mối nguy hại từ chuyện xâm phạm đời tư hay tấn công cá nhân, xúc phạm danh dự vẫn là chuyện tồn tại hiển nhiên trong các hội, nhóm kín này.