Ngày pháp luật

Minh bạch pháp luật

Nhị Ngọc

Có một cái gì đó không rõ ràng, thiếu cơ sở, gây nghi ngờ trong việc điều hành, quản lý xã hội bằng pháp luật trong một số lĩnh vực hiện nay.

Mới nhất và khá điển hình là việc tăng giá điện vào thời điểm mà người dân cần sử dụng một lượng điện lớn, rồi cách tính bậc thang mà không phải ai cũng hiểu nổi gây nên những phản ứng bất bình trong dư luận. Bởi không rõ ràng nên Chính phủ phải yêu cầu kiểm tra lại, nếu sai phải sửa, nếu không phù hợp thì tính lại cho phù hợp, kể cả việc xin lỗi người dân.

Minh bạch pháp luật - Ảnh 1
Hình minh họa

Rắc rối thêm nữa là Bộ Công Thương nói là việc tăng giá điện đã được sự đồng ý của Chính phủ mà giờ Chính phủ lại kiểm tra lại. Sự việc này lên đến Quốc hội và đích thân Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ không chỉ kiểm tra, thanh tra vụ việc này mà phải giải thích xem Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực có làm đúng hay không, vì họ đang làm theo quyết định, lộ trình của Chính phủ.

Như vậy, con đường tiếp cận sự minh bạch bị kéo dài và có những khúc quanh, minh bạch ngay từ đầu thì đâu có những rắc rối này. Thậm chí, có thể sự minh bạch còn bị ngáng trở bởi những đề xuất "mật" trong chuyện điều hành giá cả có tác động đến đời sống của toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội và người dân.

Sự thiếu minh bạch pháp luật có thể tìm thấy dễ dàng trong việc quản lý và sử dụng đất đai, quy hoạch đô thị. Vấn đề nổi cộm trong tham nhũng và khá phổ biến là "quan ăn đất" từ cấp xã đến tỉnh và khiếu kiện về đất đai luôn luôn nóng bỏng nhiều năm nay.

Thế nhưng, việc xử lý bằng pháp luật đối với những trường hợp "ăn đất" diễn ra rất chậm chạp. Chẳng hạn, vụ tham nhũng đất đai xảy ra ở Bình Dương từ năm 2000 mà bây giờ Tòa án mới đưa ra xét xử. 658 ha trồng cao su đã bị các đối tượng là cán bộ có chức quyền thôn tính nhằm trục lợi, gồm cả nguyên Giám đốc Sở Địa chính, nguyên Trưởng phòng NN&PTNT.

Lẽ ra chỉ thanh lý cây cao su thì họ thanh lý cả đất, "phân phối" cho "cánh hẩu" và người nhà, đến lúc Nhà nước thu hồi để làm việc khác thì lại phải đền bù cho họ, tổng thiệt hại mà các cán bộ này gây ra là 131 tỷ đồng. Đến giờ mới đưa ra xét xử là quá chậm, có bị can trong vụ án này đã chết, tác dụng răn đe, phòng ngừa còn đâu?

Tương tự, việc xử lý kỷ luật một số cán bộ ở TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) do vi phạm quản lý đất đai khi người sai phạm là Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường đã nghỉ hưu và chỉ với hình thức khiển trách thì cũng không có sức nặng nào đáng kể cho những ai tay đã "nhúng chàm". Điển hình hơn là việc xử lý sai phạm đất rừng phòng hộ Sóc Sơn (Hà Nội) diễn ra hết sức chậm rãi và nhỏ giọt.

Pháp luật cần minh bạch từ những văn bản quy định, không có điểm mù mờ để tham nhũng lách. Khi thực hiện lại càng cần đến sự minh bạch hơn, đó là tiêu chí của xã hội công bằng, văn minh mà chúng ta hướng tới.