Tại hội nghị về tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 29/5 tại TP HCM, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, dịch bệnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của cuộc sống, đặc biệt là hoạt động ngân hàng.
Tính đến ngày 25/5, tất cả các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đã gia hạn thời hạn trả nợ cho trên 223.000 khách hàng với dư nợ hơn 151.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320.000 khách hàng với dư nợ gần 1,14 triệu tỷ đồng, cũng như giảm lãi suất thấp hơn phổ biến 0,5 - 2,5% so với trước dịch.
Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh giảm mức lãi suất điều hành (ngày 17/3 và 12/5) với tổng mức giảm 1,5%/năm, giảm thêm 1% trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 5,0%/năm) nhằm ổn định và giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Mặc dù mức lãi suất cho vay đã giảm nhưng tín dụng mấy tháng đầu năm tăng trưởng chậm, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tháng 1 tăng 0,1%, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%, tháng 4/2020 tăng 1,42% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 4,44%). Đến ngày 20/5, dư nợ tín dụng tăng 1,32%.
Cùng với đó, việc trả nợ ngân hàng đúng hạn, dư nợ cũng bị ảnh hưởng tới 2 triệu tỷ đồng, chiếm 23% dư nợ toàn hệ thống. Lĩnh vực dư nợ nhiều nhất là ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, vận tải, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, giáo dục và đào tạo...
Hiện tại, 100% ngân hàng thành viên của công ty chuyển mạch quốc gia NAPAS tham gia chương trình miễn, giảm phí giao dịch cho khách hàng khi chuyển tiền liên ngân hàng. Sau 2 lần giảm phí, tổng số tiền phí thanh toán liên ngân hàng mà các ngân hàng đã miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 là hơn 1.000 tỷ đồng.